Nghị viện châu Âu xem xét tước quyền miễn trừ với hai nghị sĩ vì vụ tham nhũng
VOV.VN - Nghị viện châu Âu (EP) hôm qua (2/1) đã khởi động thủ tục khẩn cấp tước quyền miễn trừ truy tố đối với 2 nghị sĩ châu Âu có liên quan đến vụ việc Phó Chủ tịch châu Âu Eva Kaili bị bắt do nghi vấn tham nhũng.
Hai nghị sĩ châu Âu bị đề nghị tước quyền miễn trừ truy tố là các ông Andrea Cozzolino - người Italy và ông Marc Tarabella - người Bỉ. Cả hai đều thuộc Liên đảng châu Âu Xã hội và Dân chủ châu Âu (S&D) và bị Viện Công tố Bỉ đề nghị tước quyền miễn trừ truy tố vì có dính líu đến vụ việc bà Eva Kaili, nguyên Phó Chủ tịch EP đã bị bãi nhiệm và bắt giam cách đây gần 1 tháng (9/12) do nhận hối lộ một số tiền lớn nhằm tác động đến các chính sách của Nghị viện châu Âu theo hướng mang lại lợi ích cho một quốc gia Trung Đông.
Cảnh sát Bỉ và Italy cũng đã tiến hành khoảng 20 cuộc khám xét nhà riêng của nhiều nghị sĩ, cựu nghị sĩ châu Âu và các trợ lý, trong đó có nơi ở của hai nhân vật nói trên.
Trong bài đăng trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch EP - bà Roberta Metsola khẳng định sẽ không có quyền miễn trừ cho bất cứ nghị sĩ nào. Các thủ tục tước quyền miễn trừ sẽ chính thức được gửi đến các nghĩ sĩ châu Âu vào ngày 16/1 tới, sau đó sẽ được Uỷ ban Tư pháp Nghị viện châu Âu xem xét trước khi đưa ra biểu quyết tại phiên họp toàn thể sau đó.
Các đảng Dân chủ xã hội của Bỉ và Italy cũng đã lần lượt đình chỉ tư cách đảng viên của hai ông Andrea Cozzolino và Marc Tarabella ngay sau khi vụ việc đang gây rung động châu Âu kể từ nhiều tuần qua được công bố. Nhân vật được cho là có chức vụ cao nhất trong vụ án là bà Eva Kaili đã bị bãi miễn chức Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu hôm 13/12 và bị tước quyền miễn trừ do có các bằng chứng phạm tội rõ ràng.
Cảnh sát Bỉ đã thu được tổng cộng khoảng 1,5 triệu euro tiền mặt tại nhà riêng của bà Eva Kaili và ông Pier-Antonio Panzeri cũng là một cựu nghị sĩ châu Âu người Italy.
Cơ quan Tư pháp Bỉ hiện đang tập trung điều tra các hoạt động tài trợ núp bóng “vận động hành lang” (lobby) để rửa tiền và đưa hối lộ của một quốc gia Trung Đông nhằm nhận được các quyết định có lợi từ các nghị sĩ châu Âu./.