Ngoại giao văn hóa Việt Nam-Nhật Bản: Nâng tầm giá trị dân tộc
VOV.VN - Nhật Bản và Việt Nam có những nét tương đồng về văn hóa. Chính những nét tương đồng về văn hóa, con người đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước.
Mỗi quốc gia trong quá trình phát triển đều tiếp nhận, biến đổi một cách phù hợp đặc trưng văn hóa của nhau, sản sinh ra những nét đẹp hài hòa đóng góp vào cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Người dân Việt đã cảm thấy Sushi là món ăn quen thuộc, và người dân Nhật Bản hay nói "tôi thường xuyên ăn Phở". Ở đây, văn hóa ẩm thực đã len lỏi vào đời sống thường nhật của 2 bên, trở thành giá trị chung, thúc đẩy sự gắn kết, phát triển. Đó chính là ngoại giao văn hóa.
Ngoại giao văn hóa Nhật Bản
Trong xu thế chung hiện nay chính sách ngoại giao văn hoá Nhật Bản hướng tới tìm kiếm sự thịnh vượng riêng của mình trong sự thịnh vượng của thế giới. Nói cách khác, người dân Nhật Bản cần phải nhận thức sâu sắc về ngoại giao văn hóa và sự tham gia của Nhật Bản trong các hoạt động quốc tế.
Chiến lược ngoại giao văn hóa của Nhật Bản thể hiện trong văn kiện có tính cương lĩnh ngoại giao văn hóa quốc gia "Giao lưu văn hóa của quốc gia hòa bình" chế định năm 2005. Khởi thảo văn kiện này mất nửa năm, do Thủ tướng Nhật lúc đó là Koizumi phê duyệt. Ông thành lập riêng "Hội đàm khẩn cấp thúc đẩy ngoại giao văn hóa", mời các học giả, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản cùng nghiên cứu những việc như làm thế nào để nâng cao quốc lực văn hóa Nhật Bản, triển khai ngoại giao văn hóa, nâng cao tầm ảnh hưởng quốc tế của Nhật Bản. Từ đó đến nay, Nhật Bản thực hiện đường lối ngoại giao văn hóa dựa trên những điểm chủ yếu sau:
Ba mục tiêu:
Một là, thúc đẩy thế giới hiểu biết Nhật Bản và nâng cao hình tượng Nhật Bản cũng như giành được tín nhiệm. Người Nhật cho rằng, không có sự tín nhiệm lẫn nhau về văn hóa thì không thể có vũ đài văn hóa quốc tế, cũng không thể phát hiện lực ảnh hưởng quốc gia, nâng cao hình tượng văn hóa quốc gia chỉ là một câu nói trống rỗng. Vì vậy, Nhật Bản nâng cao quốc lực văn hóa bằng cách thông qua hình tượng văn hóa để giành được tín nhiệm của nhân dân các nước. Từ góc độ khác, văn hóa là quảng cáo của tín nhiệm.
Hai là, tránh xung đột, tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Báo cáo ngoại giao văn hóa Nhật Bản cho rằng, giao lưu và tín nhiệm lẫn nhau về văn hóa trong thời đại chúng ta đang sống là rất khó, các loại xung đột và đối lập làm cho khắp nơi trên toàn cầu đều cảnh giác và đề phòng lẫn nhau. Bởi thế, giá trị đặc biệt của ngoại giao văn hóa, giao lưu văn hóa ngày càng quan trọng.
Ba là, bồi dưỡng giá trị và quan niệm văn hóa chung của toàn nhân loại. Chiến lược văn hóa ngoại giao của Nhật Bản cho rằng sự phát triển của toàn cầu hóa làm cho sự phụ thuộc, nương tựa lẫn nhau về các mặt trong cuộc sống không ngừng sâu sắc thêm. Đồng thời, với việc bảo vệ, tôn trọng tính đa dạng của văn hóa, tính tất yếu của quan niệm giá trị chung được hình thành giữa cộng đồng dân chúng có bối cảnh văn hóa và văn minh khác nhau cũng đang không ngừng nâng cao.
Ba trụ cột tinh thần :
Dạng thức văn hóa mang văn hóa tự thân "truyền bá" ra ngoài, "hấp thu" văn hóa ngoại quốc ưu tú trong giao lưu "cộng sinh" ra cái mới. Truyền bá, hấp thu và cộng sinh là ba quan niệm lớn của ngoại giao văn hóa Nhật Bản và là ba trụ cột tinh thần lớn.
Truyền bá văn hóa được coi là trụ cột lớn thứ nhất. Các công cụ truyền bá chủ chốt là sự phổ cập tiếng Nhật, giao lưu văn hóa, nghệ thuật hiện đại, tác phẩm văn học và nghệ thuật sân khấu như tranh biếm họa, hoạt hình, âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình. Sách lược ngoại giao văn hóa Nhật Bản cũng không quên lực ảnh hưởng truyền bá đối ngoại của loại văn hóa đời sống như văn hóa khoa học và văn hóa thời trang.
Trụ cột thứ hai là hấp thu văn hóa. Có thể nói lịch sử văn hóa Nhật là lịch sử hấp thu văn hóa ngoại lai, vì thế trong quốc sách văn hóa, Nhật Bản hấp thu chủ thể văn hóa khác nhau trong lĩnh vực khác nhau là nguồn hoạt lực kích thích văn hóa Nhật Bản. Khi đề xuất quan niệm hấp thu, Nhật Bản đặt trọng điểm của ngoại giao văn hóa vào "hấp thu có tính sáng tạo", đồng thời muốn làm cho Nhật Bản trở thành "căn cứ sáng tạo văn hóa" tràn đầy sức sống. Các phương thức thúc đẩy hấp thu văn hóa là tích cực tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài; thúc đẩy giao lưu nhân tài tạo cơ hội cho họ cư trú và nghiên cứu…
Trụ cột thứ ba là cộng sinh văn hóa. Chiến lược ngoại giao văn hóa Nhật Bản sẽ nâng cao "lòng tôn sùng và cộng sinh". Báo cáo ngoại giao văn hóa Nhật đã đề xuất phương thức thúc đẩy sự cộng sinh như thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh; truyền bá quan niệm cơ bản của hợp tác quốc tế của Nhật Bản; thiết lập "Tập đoàn tài chính hợp tác quốc tế tài sản văn hóa", thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ hoặc tu sửa tài sản, di sản văn hóa nhân loại vật thể và phi vật thể.
Sự tự tin văn hoá :
Nhật Bản coi văn hóa là một loại nối dài của kinh tế, một loại xúc giác. Do văn hóa có tác dụng mà kinh tế và chính trị đều không có, nên những chỗ thông qua chính trị, kinh tế mà không đạt được thì tất nhiên phải thông qua văn hóa để hoàn thành. Điều quan trọng hơn, phương thức của văn hóa là một loại phương thức hòa bình, một loại phương thức làm cho người ta trong quá trình vui vẻ, trầm lắng lại giành được thành công. Điều đáng chú ý là, Nhật Bản đã không quá chú trọng bảo hộ truyền thống văn hóa mà quan tâm đến văn hóa hiện thời. Hơn nữa, truyền bá văn hóa đã trở thành nghĩa vụ của toàn xã hội. Điểm nổi bật là chiến lược ngoại giao văn hóa không nhấn mạnh những cái gọi là an ninh văn hóa, xâm lược văn hóa. Điều này có thể gọi là sự tự tin văn hóa.
Chính sách ngoại giao văn hóa Việt Nam
Trong xu thế hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng và thời đại toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam xác định cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của ngoại giao hiện đại. Ngoại giao văn hóa được ví như "quyền lực mềm" vừa có khả năng lan tỏa bền bỉ, vừa có tác dụng thẩm thấu lâu dài.
Có nhiều quan điểm về ngoại giao văn hoá ở Việt Nam. Có ý kiến cho rằng: Ngoại giao văn hoá là hoạt động ngoại giao vì văn hoá và bằng văn hoá, là sản phẩm chung của chính sách văn hoá và chính sách ngoại giao. Ngoại giao văn hoá nhằm nâng cao hình ảnh quốc gia ngày càng rõ và đẹp, nâng cao vị thế quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế. Cũng có thể hiểu ngoại giao văn hóa, trên bình diện của ngoại giao toàn diện, là một trong ba trụ cột chính của ngoại giao. Gắn kết với ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, tạo thành một mặt chung, một kết quả chung cho ngoại giao.
Trong từng giai đoạn lịch sử, văn hóa được coi là nền tảng của xã hội, mang tính quyết định trong việc xây dựng con người đủ tri thức, bản lĩnh, nhất là trong quá trình phát triển trong nước luôn gắn với phát triển của thế giới.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào tháng 11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của việc “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới”.
Cụ thể hơn tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại đường lối ngoại giao văn hóa của Việt Nam: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”.
Trước đó, ngày 30/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với quan điểm bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của đất nước, cụ thể là: “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” và “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy, cả Việt Nam và Nhật Bản đều có chính sách ngoại giao mà trong đó đưa ra những mục tiêu, chiến lược cụ thể nhằm phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc để từ đó tạo ra sự phát triển chung cho toàn xã hội.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong hoạt động ngoại giao văn hóa, giao lưu văn hóa được coi là trụ cột chính. Liên quan đến kinh nghiệm cho Việt Nam, ở đây đề cập cụ thể ở góc độ hẹp hơn, đó là giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản.
Giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản tuy chỉ là một khía cạnh trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam với các quốc gia, khu vực trên thế giới. Song, giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian gần đây phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân hai nước. Đó là thành công không phải hoạt động giao lưu nào giữa Việt Nam với các nước khác cũng có được. Hoạt động giao lưu đó, dĩ nhiên được đà tăng cường trên dựa trên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, phía Nhật Bản (Cơ quan quản lý, tổ chức, hiệp hội, cá nhân…) đã tích cực, chủ động hơn phía Việt Nam trong các hoạt động đó. Có thể hiểu rằng một trong những nguyên nhân là Việt Nam còn thiếu kinh phí trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới, kinh nghiệm cũng như nguồn nhân lực còn hạn chế khi tiến hành tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa.
Bên cạnh đó, chúng ta nên hiểu sâu nền văn hóa của Nhật Bản. Trên thực tế, văn hóa Nhật Bản được người dân Việt Nam yêu thích, nhưng mới chỉ được biểu hiện qua việc thích tính cách người Nhật Bản khi gặp khó khăn, chống trọi với thiên tai, thích món ăn Nhật Bản hay hoa Anh đào…nghĩa là chỉ thích qua những biểu hiện bề nổi.
Ví dụ một điều dễ nhận thấy nhất là người Nhật thường xuyên sử dụng những lời "cảm ơn", "xin lỗi". Điều này gây không ít bất ngờ, thậm chí khó hiểu cho những ai lần đầu tiên đến Nhật. Trong khi người Việt chỉ cảm ơn khi bản thân mình nhận một ân huệ nào đó và xin lỗi khi mình gây ra một điều thực sự phiền toái cho người khác. Thậm chí, việc nói lời cảm ơn không phải xảy ra với mọi đối tượng.
Còn ở Nhật thì sao? Người Nhật liên tục sử dụng những câu "cảm ơn", "xin lỗi" như một thói quen hàng ngày. Nhiều người Việt không hiểu tại sao người Nhật lại "thích" dùng những từ đó đến thế, bởi có những trường hợp hoàn toàn không cần thiết, có khi còn khá ngược đời. Ví dụ, đang đi trên đường, do không để ý bạn vô tình va phải một người khác. Lúc đó rất có thể bạn sẽ nhận được một câu xin lỗi từ chính người mà bạn vừa va phải. Nếu là ở Việt Nam, người phải xin lỗi chính là bạn. Đó là khác biệt rất lớn.
Nói vậy không có nghĩa là người Việt không bao giờ nói "cảm ơn", "xin lỗi". Ở đây chỉ xét về mức độ cũng như phạm vi đối tượng sử dụng mà thôi.
Một điểm nữa chúng ta không nên đề cao quá mức văn hóa Nhật Bản. Điều này thể hiện rõ nét ở những nhận xét thông thường, bài báo...thường khen nhiều hơn là đề cập tới những khía cạnh hạn chế trong văn hóa Nhật Bản. Điều này khiến công chúng có cái nhìn phiến diện khi tiếp nhận văn hóa, trong cách giao lưu, tiếp cận người Nhật Bản.
Tuy vậy, mỗi dân tộc đều có nét đẹp văn hóa riêng biệt, quan trọng là chúng ta tiếp cận được những nét đẹp đó để làm phong phú giá trị của dân tộc mình, giúp mỗi con người có một tinh thần khỏe khoắn, đào thải cái xấu, giữ được sự lương thiện của con người đóng góp chung cho sự phát triển chung của xã hội loài người./.