Ngoại trưởng Ấn Độ: Xung đột Nga – Ukraine gây ra những hậu quả nghiêm trọng
VOV.VN - Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga hôm nay (8/11), Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tác động ảnh hưởng đến sự tiến bộ và thịnh vượng khu vực và toàn cầu.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ được đưa ra trong cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày tới Nga.
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng hai nước đã trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu cùng quan tâm trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng.
Đề cập đến cuộc xung đột tại Ukraine, Ngoại trưởng Jaishankar cho biết, Ấn Độ và Nga đã có nhiều cuộc tiếp xúc sâu rộng giữa chính phủ hai nước ở nhiều cấp khác nhau. Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Vladimir Putin cũng đã có cuộc hội đàm hồi tháng 9 vừa qua.
Theo ông Jaishankar, thế giới hiện đã chứng kiến những hậu quả nghiêm trọng của cuộc xung đột tại Ukraine. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu cũng đã làm gián đoạn sự tiến bộ và thịnh vượng khu vực.
Ngoại trưởng Jaishankar cũng cho rằng, Ấn Độ và Nga có quan hệ gắn bó trong một thế giới đa cực và tái cân bằng. Các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ góp phần giải quyết tình hình chung toàn cầu cũng như các mối quan tâm cụ thể của khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Nga và Ấn Độ tiếp tục phối hợp hành động tại các diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Điều này đã làm sâu sắc thêm chương trình nghị sự giữa hai nước. Ông Lavrov nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang có những biến đổi nhanh chóng, việc hai nước trao đổi, hợp tác trên cơ sở các mục tiêu mà Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ đề ra trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đầu tư và công nghệ là tương đối quan trọng.
Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, quan hệ song phương Nga - Ấn Độ mang đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền. Hai nước đã hình thành các cơ chế tương tác hiệu quả trong thập kỷ qua.
Ấn Độ vẫn giữ quan điểm trung lập và không ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu. Tại một số diễn đàn của LHQ, New Delhi đã liên tục kêu gọi chấm dứt bạo lực và ủng hộ hòa bình và ngoại giao./.