Ngoại trưởng EU thảo luận về bước đi tiếp theo sau các đàm phán với Nga
VOV.VN - Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu bắt đầu nhóm họp từ tối 13/1 tại thành phố Brest ở Tây Bắc nước Pháp để thảo luận trong 2 ngày về chiến lược an ninh của châu Âu, tiếp sau các phiên đàm phán căng thẳng nhưng bế tắc giữa Nga với các nước phương Tây...
Cuộc họp không chính thức diễn ra trong ngày 13-14/1 tại thành phố Brest là cơ hội để Ngoại trưởng các nước EU thảo luận về kết quả các cuộc đàm phán liên tiếp giữa các nước phương Tây với Nga trong tuần qua về an ninh châu Âu cũng như tình hình xung quanh vấn đề Ukraine, bao gồm cuộc gặp song phương Mỹ-Nga ở Geneva (Thụy Sỹ), cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ngày 12/1 và cuộc họp của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu – OSCE ngày 13/1.
Phát biểu trước báo chí tại phiên họp, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu âu, Josep Borrell khẳng định, bất chấp các chỉ trích gần đây về việc châu Âu chỉ đóng vai trò mờ nhạt trong các đàm phán với Nga, khối này vẫn hiện diện và không bị gạt ra bên lề. Ông Borrell cho biết, EU và Mỹ đã có hơn 100 cuộc tham vấn ở mọi cấp độ trong thời gian qua và phía Mỹ cũng đã khẳng định với EU rằng sẽ không để bị Nga lôi cuốn vào cuộc chơi chia rẽ.
Quan chức Ngoại giao đứng đầu EU cũng khẳng định, Mỹ cam kết sẽ không thỏa thuận bất cứ điều gì với Nga trong vấn đề an ninh châu Âu hay Ukraina nếu thiếu tiếng nói của châu Âu và Ukraine. Tuy nhiên, ông Josep Borrell cũng thừa nhận, các cuộc họp vừa kết thúc với Nga đều có kết quả hạn chế, đồng thời chỉ có thể coi đây là các cuộc đối thoại chứ chưa thể coi là các đàm phán vì các quan điểm của hai bên quá mâu thuẫn. Phía châu Âu kiên quyết cho rằng các đòi hỏi an ninh của Nga là không thể nào đáp ứng nổi đối với châu Âu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, thì cho rằng, điều quan trọng là châu Âu cần tiếp tục tìm hiểu kỹ xem thực chất điều phía Nga mong muốn là gì, qua đó mới có thể tiếp tục đối thoại.
“Nếu mong muốn của Nga là trở lại như thời Yalta, bởi lẽ thực chất của hai đề xuất mà phía Nga đưa ra là sự quay trở lại với lô-gic chia phe như trước năm 1990, thì đó là điều không thể chấp nhận nổi với chúng tôi. Nhưng nếu như đằng sau các động thái này là một ý muốn thực sự xây dựng một điều gì đó thì hãy tiếp tục đối thoại, bởi chúng tôi mong muốn ổn định và an ninh tại châu Âu”, ông Le Drian nói.
Hiện tại, với tư cách là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, Pháp đang mong muốn khởi động lại cơ chế đàm phán “Bộ Tứ Normandie”, bao gồm Đức-Pháp-Nga và Ukraine, qua đó hy vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine và mở đường cho các đối thoại tiếp theo về cấu trúc an ninh mới tại châu Âu.
Đầu tháng 1/2022, hai cố vấn ngoại giao cấp cao của Pháp và Đức đã cùng đến Nga để thúc đẩy ý định này nhưng nỗ lực này đang bị cản trở bởi cả quan điểm cứng rắn từ phía Nga lẫn sự phản đối của một vài nước trong nội bộ EU. Trong ngày 13/1, EU đã lần thứ 15 gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, vốn được đưa ra từ năm 2014 sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập Crimea./.