Ngoại trưởng Mỹ tới Timor Leste
(VOV) - Chuyến thăm của bà Clinton nhằm thúc đẩy sự ổn định và tăng trưởng tại quốc gia nghèo nhất khu vực châu Á này.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ tới Timor Leste kể từ khi nước này độc lập năm 2002. Sau khi đến thủ đô Dili của Timor Leste, Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp ngắn với Tổng thống nước chủ nhà Taur Matan Ruak và Thủ tướng Xanana Gusmao. Tại đây, bà Clinton đã công bố quỹ học bổng trị giá 6,5 triệu USD nhằm hỗ trợ các sinh viên Timor Leste muốn học tập tại Mỹ.
Chuyến thăm của bà Hillary Clinton được kỳ vọng nhằm thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng hơn của Timor Leste vào cộng đồng khu vực ASEAN. Mặc dù là nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú song đến nay, Timor Leste vẫn phải vật lộn trong việc nâng cao mức sống của người dân. Ước tính 40% người dân Timor Leste đến nay vẫn sống dưới mức nghèo khó.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thủ tướng Timor Leste Xanana Gusmao tại cuộc họp báo ở thủ đô Dili (Ảnh Reuters) |
Trước đó, trong chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì cùng các quan chức cao cấp khác của nước này.
Chuyến thăm của bà Clinton tới Trung Quốc nhằm thúc đẩy nước này linh hoạt hơn trong việc giảm căng thẳng ở Biển Đông và muốn Trung Quốc ngừng ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al Assad. Tuy nhiên, phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì tại cuộc họp báo chung sau hội đàm song phương ngày 5/9 chứng tỏ hai nước vẫn còn chia rẽ sâu sắc đối với hai vấn đề này.
Ngoại trưởng Mỹ nói: “Tôi vẫn nhắc lại khẳng định của Mỹ trong mọi trường hợp là Mỹ không ở vị thế ganh đua với các nước khác về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Lợi ích của chúng tôi là duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải tại khu vực châu Á. Là một đối tác với các quốc gia có liên quan tôi tin rằng, lợi ích của các bên có liên hệ mật thiết với việc Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đều cam kết theo đuổi tiến trình ngoại giao hướng đến mục tiêu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Nhân đây, tôi cũng lấy làm tiếc vì Trung Quốc và Nga đã không ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong vấn đề Syria”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì khẳng định:“Đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền tại một số hòn đảo và những lợi ích và tuyên bố chồng chéo nhau tại khu vực Biển Đông, các bên có liên quan trực tiếp cần có các cuộc thảo luận với nhau, tôn trọng các yếu tố liên quan về mặt lịch sử, luật pháp quốc tế và giải quyết các bất đồng thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp và tham vấn hữu quan. Giống như nhiều quốc gia khác. Chúng tôi ủng hộ một tiến trình chính trị tại Syria. Đồng thời chúng tôi tin rằng, các giải pháp cho vấn đề Syria phải xuất phát từ lợi ích của người dân Syria, chứ không nên bị áp đặt từ bên ngoài.”
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Ngoại trưởng Clinton cũng được cho biết là Trung Quốc không đồng ý với việc Mỹ can thiệp vào châu Á, đồng thời nhấn mạnh rằng quan hệ Trung-Mỹ có ảnh hưởng lớn trên thế giới và mối quan hệ này chỉ có thể đi đúng quỹ đạo thông qua nỗ lực từ cả hai phía.
Theo các nhà phân tích chính trị, chuyến thăm lần này của bà Hillary Clinton tới Trung Quốc được coi là một thất bại do bà vấp phải quá nhiều sự hoài nghi của Trung Quốc. Mặc dù bà Clinton nhiều lần nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ không nhằm mục tiêu vào Trung Quốc, song chừng đó chưa đủ để Bắc Kinh xóa bỏ mọi hoài nghi rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc./.