Ngoại trưởng Nga: Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ sụp đổ nếu Mỹ rút
VOV.VN - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19/1 cho biết, thỏa thuận hạt nhân Iran không thể tồn tại nếu Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra bên lề một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: thỏa thuận hạt nhân Iran không thể bị đàm phán lại, nhất là theo những yêu cầu của Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Lavrov. Ảnh: Sputnik
“Thỏa thuận không thể được thực thi nếu một trong các bên tham gia đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Nó sẽ sụp đổ ngay lập tức. Sau đó sẽ không thể có thỏa thuận khác thay thế”, ông Lavrov nhấn mạnh. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga cũng bày tỏ tin tưởng, thỏa thuận này chưa đến hồi kết.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga đưa ra chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/1 vừa qua một lần nữa khẳng định phải thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn, dù cho biết Mỹ sẽ không áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran trong 120 ngày tới, đồng nghĩa thỏa thuận lịch sử trên vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này.
Trong thời gian đó, ông Trump muốn Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Iran để “sửa chữa” những nội dung mà ông cho là “sai lầm thảm họa” trong thỏa thuận hiện nay.
Ngoài vấn đề hạt nhân Iran, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích việc Mỹ đóng băng một khoản đóng góp cho cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trợ giúp người Palestine. Ông Lavrov cho rằng, động thái này gây phương hại nghiêm trọng tới những nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người tị nạn Palestine tại khu vực.
Ông Lavrov cũng chỉ trích Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, mô tả văn kiện này là “mang tính đối đầu”, sau khi Mỹ xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng.
Ngoại trưởng Nga phản bác những luận điểm của Mỹ cho rằng Trung Quốc và Nga đang phá hỏng những nỗ lực của quốc tế nhằm củng cố an ninh toàn cầu.
Ông Lavrov nhấn mạnh, thay vì sử dụng cơ sở của luật pháp quốc tế, Mỹ trên thực tế lại tìm cách chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình thông qua những chiến lược và khái niệm đối đầu như vậy.
Về cuộc chiến Syria, Ngoại trưởng Nga cáo buộc Mỹ tuy từ chối thành lập các lực lượng địa phương ở miền Bắc Syria nhưng lại tìm cách lập ra “những cơ quan hành pháp mới” tại nhiều nơi, trái với cam kết về duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria./.