Những cuộc điều tra đang bủa vây cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

VOV.VN - Ngoài cuộc điều tra về việc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh nhằm che đậy các khoản tiền bịt miệng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang đối mặt với nhiều cuộc điều tra khác.

Cuộc điều tra về việc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh ở New York

Ông Donald Trump ngày 4/4 đã trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ phải ra trình diện trước tòa vì những cáo buộc hình sự. Ông không nhận tội với 34 cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh trong phiên trình diện tại Tòa án tối cao Manhattan (bang New York).

Theo bản cáo trạng do công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg công bố, 34 cáo buộc liên quan đến các khoản thanh toán mà Tổ chức Trump đã trả cho ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump dưới hình thức dịch vụ pháp lý.

Năm 2018, ông Cohen thừa nhận là trung gian dàn xếp các giao dịch giữa ông Trump và hai phụ nữ để họ giữ im lặng trong thời gian tranh cử tổng thống năm 2016. Ông đã dùng tiền riêng để trả các khoản “tiền bịt miệng”, bao gồm 130.000 USD cho diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels và 150.000 USD cho người mẫu Playboy Karen McDougal. Ông Trump sau đó đã bồi hoàn cho ông Cohen thông qua 11 khoản thanh toán, trong đó có 9 lần ký séc.

Văn phòng công tố viên Bragg nói rằng Tổ chức Trump đã thực hiện tổng cộng 34 lần nhập sai hồ sơ kinh doanh từ tháng 2-12/2017 để che giấu khoản chi 130.000 USD.

Theo luật New York, việc giả mạo hồ sơ kinh doanh có thể là một tội nhẹ, có thể bị phạt không quá một năm tù. Tuy nhiên, nó có thể được nâng lên thành trọng tội nếu mục đích là thúc đẩy hoặc che giấu một tội khác.

Tại phiên tòa ngày 4/4, Thẩm phán Juan Merchan đã cho nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Trump thời hạn đến ngày 8/8 để phản bác các cáo buộc. Các công tố viên sẽ có thời hạn đến ngày 19/9 để đưa ra câu trả lời.

Thẩm phán Merchan cũng ấn định phiên tòa tiếp theo vào ngày 4/12, chỉ 2 tháng trước khi chính thức bắt đầu mùa bầu cử sơ bộ để chọn ứng viên tổng thống.

Cuộc điều tra về vụ bạo loạn ngày 6/1/2021

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland vào tháng 11/2022 đã bổ nhiệm Jack Smith, cựu công tố viên liên bang, làm cố vấn đặc biệt phụ trách 2 cuộc điều tra hình sự đang diễn ra đối với ông Trump.

Một trong những cuộc điều tra đó là xem xét liệu ông Trump hoặc những người khác có cản trở bất hợp pháp quá trình chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, trong đó ông Joe Biden đã đánh bại tổng thống đương nhiệm (ông Donald Trump) hay không.

Cuộc điều tra cũng đang xem xét khả năng ông Trmup can thiệp bất hợp vào quá trình xác nhận chiến thắng bầu cử của ông Biden tại một phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 6/1/2021.

Khi Quốc hội chuẩn bị triệu tập vào ngày 6/1/2021 để xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden, ông Trump đã nói với những người ủng hộ tại Công viên Ellipse gần Nhà Trắng rằng “hãy chiến đấu/đấu tranh hết mình” và tuần hành tới Điện Capitol.

Ông cũng kêu gọi Phó Tổng thống khi đó là Mike Pence, người chủ trì phiên họp của Quốc hội ngày hôm đó, không kiểm đếm một số phiếu bầu quan trọng cho ông Biden. Nhưng ông Pence đã từ chối.

Ngay sau khi quá trình đếm phiếu đại cử tri bắt đầu, đám đông người ủng hộ ông Trump đã xông vào Điện Capitol, buộc Phó Tổng thống Pence và hàng trăm nhà lập pháp phải rời khỏi phòng họp để đảm bảo an toàn.

Hồi tháng 3, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, hơn 1.000 người đã bị bắt với cáo buộc liên quan đến cuộc bạo loạn.

Theo NBC, tuần trước, ông Trump đã kháng cáo phán quyết của thẩm phán ra lệnh cho một số phụ tá hàng đầu của ông trong Nhà Trắng ra làm chứng trước đại bồi thẩm đoàn trong cuộc điều tra của Smith,.

Vụ điều tra về tài liệu mật ở Mar-a-Lago

Ông Jack Smith cũng đang phụ trách cuộc điều tra về vụ việc tài liệu mật và các hồ sơ khác của chính phủ được lưu trữ tại Mar-a-Lago, nơi ở của ông Trump sau khi rời Nhà Trắng đầu năm 2021.

Trọng tâm của cuộc điều tra hiện là xác minh liệu cựu tổng thống có trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo trì hoãn việc nộp lại tài liệu cho chính phủ hay không.

Ông Smith cũng đang xem xét về việc cản trở cuộc điều tra liên quan đến những nỗ lực được cho là của ông Trump nhằm ngăn cản các quan chức chính phủ thu hồi các tài liệu vào năm 2022.

FBI đã đột kích vào dinh thự của ông Trump tại Mar-a-Lago vào tháng 8/2022 sau khi biết rằng vẫn còn nhiều hồ sơ tổng thống khác tại đây ngoài 15 hộp hồ sơ mà họ đã thu được vào tháng 1/2022.

Bộ Tư pháp cho biết rằng họ tin rằng các hồ sơ vẫn ở trong dinh thự của ông Trump mặc dù các luật sư của Trump đã khẳng định vào tháng 6/2022 rằng chúng đã được bàn giao.

Mới đây, Bộ Tư pháp và FBI thu thập được bằng chứng chủ chốt chứng minh việc ông Trump cản trở việc thu hồi tài liệu mật của chính phủ, báo Washington Post dẫn nguồn thạo tin hôm 2-4.

Các bằng chứng này cho thấy ông Trump đã kiểm tra các thùng tài liệu ở nhà mình trước khi chúng được gửi về Nhà Trắng với mục đích “rõ ràng nhằm giữ lại một vài bộ”.

Tháng trước, luật sư của ông Trump, Evan Corcoran, được cho là đã xuất hiện trước đại bồi thẩm đoàn liên bang trong cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt jack Smith về vụ tài liệu mật ở Mar-a-Lago.

Cuộc điều tra gian lận bầu cử tại bang Georgia

Một đại bồi thẩm đoàn đặc biệt ở Atlanta điều tra khả năng can thiệp của Trump và các đồng minh của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở bang Georgia, đã hoàn tất công việc vào tháng 1/2023.

Đại bồi thẩm đoàn được triệu tập vào tháng 1/2022 để nghe bằng chứng trong cuộc điều tra của luật sư quận Fulton Fani Willis.

Chủ tịch ban hội thẩm gần đây cho biết, các thành viên bồi thẩm đoàn đã đề xuất một loạt các cáo buộc đối với nhiều người. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi ông Trump có tên trong danh sách này.

Đại bồi thẩm đoàn được cho là tập trung vào các sự kiện bao gồm cuộc điện thoại vào ngày 2/1/2021, trong đó ông Trump thúc giục Thư ký tiểu bang Georgia Brad Raffensperger “tìm 11.780 phiếu bầu” cho ông Trump. Đây là chính xác số phiếu mà ông Trump cần để thắng tại đây.

Ông Raffensperger, quan chức bầu cử hàng đầu của bang Georgia, đã từ chối.

Georgia là một trong những bang dao động quan trọng đã giúp ông Biden giành chiến thắng trước ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Trong hồ sơ đệ trình lên tòa án vào tháng 3, các luật sư của ông Trump đã yêu cầu  thẩm phán hủy bỏ báo cáo cuối cùng của đại bồi thẩm đoàn và ngăn cản việc sử dụng bất kỳ bằng chứng nào từ bồi thẩm đoàn để truy tố cựu Tổng thống.

Báo cáo cuối cùng được công bố vào tháng 2/2023 cho thấy đại bồi thẩm đoàn đã xác định rằng ít nhất một nhân chứng có thể đã nói dối khi tuyên thệ.

Vụ kiện dân sự ở New York

Tháng 9/2022, Tổng chưởng lý bang New York Letitia James đã công bô một vụ kiện nhằm vào ông Trump, 3 người con lớn của ông và Tổ chức Trump với cáo buộc gian lận liên quan đến báo cáo tài chính sai lệch hoặc gây hiểu nhầm trong nhiều năm.

Bà James cáo buộc ông Trump đã thổi phồng tài sản lên hàng tỷ USD trong các báo cáo gửi ngân hàng, công ty bảo hiểm và IRS để có được các khoản bảo hiểm và khoản vay thuận lợi hơn cho công ty của ông, đồng thời hưởng lợi từ các khoản khấu trừ hoặc tín dụng thuế.

Bà James đang hướng đến việc cấm toàn bộ gia đình ông Trump duy trì việc kinh doanh tại bang New York.

Khi nộp đơn kiện, Tổng chưởng lý James cho biết bà đã yêu cầu một cuộc điều tra liên bang đối với Trump, nói rằng văn phòng của bà đã thu được bằng chứng về khả năng gian lận ngân hàng.

Tháng 11/2022, một thẩm phán ở New York đã được chỉ định làm giám sát viên độc lập để giám sát các báo cáo tài chính của Tổ chức Trump.

Nếu không có gì thay đổi, khả năng cao ông Trump sẽ ra tòa vào tháng 10/2023./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những gì sẽ diễn ra tiếp theo phiên tòa của cựu Tổng thống Trump ở New York?
Những gì sẽ diễn ra tiếp theo phiên tòa của cựu Tổng thống Trump ở New York?

VOV.VN - Phiên trình diện trước tòa án của cựu Tổng thống Trump ngày 4/4 là sự khởi đầu của quá trình tố tụng sẽ kéo dài nhiều tháng đến mùa tranh cử năm 2024 tại Mỹ.

Những gì sẽ diễn ra tiếp theo phiên tòa của cựu Tổng thống Trump ở New York?

Những gì sẽ diễn ra tiếp theo phiên tòa của cựu Tổng thống Trump ở New York?

VOV.VN - Phiên trình diện trước tòa án của cựu Tổng thống Trump ngày 4/4 là sự khởi đầu của quá trình tố tụng sẽ kéo dài nhiều tháng đến mùa tranh cử năm 2024 tại Mỹ.

Phiên xét xử cựu Tổng thống Trump tiếp theo sẽ diễn ra ngày 4/12
Phiên xét xử cựu Tổng thống Trump tiếp theo sẽ diễn ra ngày 4/12

VOV.VN - Thẩm phán tòa án thành phố New York, Mỹ đã quyết định sẽ tổ chức phiên xét xử trực tiếp thứ hai đối với cựu Tổng thống Trump vào ngày 4/12 tới, gần 2 tháng trước khi đảng Cộng hòa tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống năm tới.

Phiên xét xử cựu Tổng thống Trump tiếp theo sẽ diễn ra ngày 4/12

Phiên xét xử cựu Tổng thống Trump tiếp theo sẽ diễn ra ngày 4/12

VOV.VN - Thẩm phán tòa án thành phố New York, Mỹ đã quyết định sẽ tổ chức phiên xét xử trực tiếp thứ hai đối với cựu Tổng thống Trump vào ngày 4/12 tới, gần 2 tháng trước khi đảng Cộng hòa tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống năm tới.

Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra như thế nào?
Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra như thế nào?

VOV.VN - Ông Donald Trump, cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ đối mặt với các cáo buộc hình sự, đã tới New York, chuẩn bị trình diện trước tòa vào ngày 4/4.

Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra như thế nào?

Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra như thế nào?

VOV.VN - Ông Donald Trump, cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ đối mặt với các cáo buộc hình sự, đã tới New York, chuẩn bị trình diện trước tòa vào ngày 4/4.