Người dân Pakistan đi bầu cử bất chấp bạo lực

(VOV) - Các điểm bầu cử mở cửa kéo dài từ 8h - 17h (giờ địa phương) cho hơn 86 triệu cử tri đi bỏ phiếu.

Hôm nay (11/5), hàng triệu cử tri Pakistan đi bỏ phiếu trong cuộc  tổng tuyển cử lần thứ 14, được đánh giá là mang tính lịch sử, bởi nó đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ dân sự ở quốc gia Nam Á này hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm. Trong bối cảnh làn sóng bạo lực bùng phát khắp Pakistan trước thềm cuộc bầu cử, việc cuộc bầu cử có thành công hay không phục thuộc chủ yếu vào tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

Hơn 86 triệu cử tri đi bỏ phiếu ở Pakistan (ảnh: Reuters)

Các điểm bầu cử đã mở cửa vào 8h sáng nay (giờ địa phương), và đóng cửa vào 17h cho hơn 86 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Các cử tri sẽ bầu ra Quốc hội gồm 342 thành viên và 4 hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại các khu vực Khyber Pakhtunkhwa, Punjab, Sindh và Baluchistan.

Cuộc bầu cử này cũng đánh dấu lần đầu tiên một chính quyền dân cử hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ của mình và chuyển giao quyền lực cho chính phủ nhiệm kỳ mới thông qua bầu cử.

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Pakistan Ebrahim tối 10/5 cho biết, mọi việc đã hoàn thành  để có thể tiến hành một cuộc bầu cử tự do, minh bạch. Để bảo vệ an ninh cho ngày bầu cử, hơn 600.000 nhân viên an ninh đã được huy động trên khắp cả nước Pakistan trong khi có tới một nửa trong tổng số 70.000 điểm bỏ phiếu bị xem là có khả năng bị tấn công. Rất nhiều trong số này nằm trong vùng thường xuyên bị phiến quân đánh phá tại Baluchistan và khu vực Đông Bắc. Ông Tanha Talha Altaf, một quan chức quân đội Pakistan cho biết: “Việc bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra tự do, công bằng là trách nhiệm của chúng tôi. Mọi người dân hãy đi bỏ phiếu và quân đội sẽ nỗ lực bảo đảm an ninh cho họ”.

Tuy nhiên, tham gia cuộc bầu cử lần này, các cử tri Pakistan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh nghiêm trọng khi làn sóng bạo lực không ngừng dâng cao trước ngày bầu cử.

Ngày 10/5, lại có thêm một ứng cử viên của đảng Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) bị bắn chết trong một cuộc tấn công ở thành phố Karachi. Đây là ứng cử viên thứ hai bị thiệt mạng tại Karachi trong tuần trước cuộc bầu cử. Trong khi đó, lực lượng Taliban tại Pakistan đe dọa sẽ thực hiện một loạt vụ tấn công trong ngày bầu cử.

Theo các nhà phân tích, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của cuộc tổng tuyển cử lần này. Ông Abbul Rasheed, một nhà phân tích chính trị cho rằng: “Nếu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ thừa nhận Pakistan là một nhà nước khủng bố. Do đó chúng ta phải gạt bỏ nỗi sợ hãi để đi bầu cử”.

Hiện tại những Đảng được đánh giá có cơ hội đắc cử cao nhất là Đảng trung tả Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của vận động viên cricket nổi tiếng Imran Khan và Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền. Trong đó, đảng Liên đoàn Hồi giáo và đảng Nhân dân đã “thống trị” chính trường Pakistan trong nhiều thập kỷ qua.

Pakistan đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn đó là một nền kinh tế suy yếu, khủng hoảng năng lượng lan rộng, việc tham gia liên minh chống khủng bố với Mỹ khi mà cuộc chiến chống khủng bố hiện nay đã không thể giúp bảo đảm an ninh tốt hơn cho Pakistan. Ngoài ra, Pakistan còn phải đối mặt nạn tham nhũng triền miên và nhu cầu rất lớn về phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thêm 1 ứng cử viên bầu cử ở Pakistan bị bắn chết
Thêm 1 ứng cử viên bầu cử ở Pakistan bị bắn chết

(VOV) - Đây là ứng cử viên thứ hai bị thiệt mạng tại Karachi trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội ở Pakistan.

Thêm 1 ứng cử viên bầu cử ở Pakistan bị bắn chết

Thêm 1 ứng cử viên bầu cử ở Pakistan bị bắn chết

(VOV) - Đây là ứng cử viên thứ hai bị thiệt mạng tại Karachi trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội ở Pakistan.

Pakistan: Bầu cử trong bom và máu
Pakistan: Bầu cử trong bom và máu

(VOV) - Kể từ khi tranh cử đến nay, các vụ tấn công khủng bố đã làm hơn 110 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương.

Pakistan: Bầu cử trong bom và máu

Pakistan: Bầu cử trong bom và máu

(VOV) - Kể từ khi tranh cử đến nay, các vụ tấn công khủng bố đã làm hơn 110 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương.