Người di cư vỡ mộng về châu Âu
VOV.VN - Trong những ngày qua, châu Âu đang rơi vào cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng. Hàng trăm nghìn người từ Trung Đông, Bắc Phi, Tây Balkan tràn về bờ biển Italy, Hy Lạp để từ đó di chuyển đến các nước châu Âu khác. Nhưng giấc mơ về một miền đất hứa đã nhanh chóng tan theo bọt nước khi họ không thể đủ điều kiện để nhập cư.
Claudine Nsoe, một người mẹ người Camerun 29 tuổi cùng với 2 đứa con trai, một đứa 5 tuổi và 1 đứa 18 tháng tuổi của mình đã cập cảng Lampedusa của Italy cách đây 1 tháng.
Để đến được Italy, Claudine đã phải trải qua một hành trình rất dài và đau khổ, từ Camerun đến Lybia rồi lên con tàu ọp ẹp chở theo hàng trăm người lênh đênh hàng chục ngày trên biển. Trên con đường ấy, Claudine cũng chứng kiến nhiều người chết, những con thuyền bị chìm. Mẹ con cô may mắn hơn những người khác là đã được cứu sống và đưa vào một trại tị nạn ở Lampedusa.
Khi được hỏi mong đợi gì khi đến Italy, chị Claudine Nsoe cho biết: “Không phải lúc này. Vì giờ tôi chỉ muốn tình hình ở đây được cải thiện, bởi vì cuộc sống của chúng tôi không dễ dàng gì. Tôi không biết phải ở đây bao lâu. Không ai nói gì với chúng tôi. Điều kiện rất khó khăn, chúng tôi phải ngủ ở ngoài trời, dưới cái nắng nóng ban ngày và lạnh vào ban đêm. Trẻ con còn không đủ thức ăn”.
Claudine chỉ là một trong hàng ngàn người di cư đang không thể tìm được giấc mộng của miền đất hứa.
Đây không phải là lần đầu tiên, Châu Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng di cư. Nó trầm trọng đến mức nhiều nước đều không thể đủ điều kiện tối thiểu cho cuộc sống của người tị nạn. Kamal Mahmood đã theo làn sóng di cư từ Iraq đến Hy Lạp từ năm 2017.
Nếu tại Iraq, Kamal là một bác sĩ, thì ở Hy Lạp, ông chỉ là người xin tị nạn nghèo túng, vạ vật trong các túp lều tạm bợ. Sau 17 tháng cố gắng bám trụ ở Hy Lạp, Kamal và gia đình quyết định trở về Iraq, đất nước mà họ từng trả 12.000 USD để rời đi. Nhiều người di cư cảm thấy việc bỏ xứ đến châu Âu là một sai lầm, nhưng họ không có tiền để tự về nhà. Ngay cả những người di cư bị từ chối tị nạn cũng hiếm khi bị buộc trục xuất. Chính vì vậy, cuộc sống tạm bợ, không có tương lai trong các trại tị nạn là điều khó tránh khỏi.
Rất nhiều người tị nạn khác như gia đình Kamal đã được hồi hương theo chương trình được Hy Lạp và Liên minh châu Âu tài trợ. Nhờ chương trình này, khoảng 16.900 người đã thực hiện chuyến đi trở về châu Phi, châu Á hoặc Trung Đông trong ba năm qua, trong bối cảnh các quốc gia EU thắt chặt biên giới và áp đặt yêu cầu khắt khe hơn về tình trạng pháp lý với người nhập cư.
Từ đầu năm đến nay, hơn 224.000 người tị nạn đã tới Châu Âu, hơn 2300 người đã thiệt mạng khi chưa thể đặt chân đến nơi họ mơ ước. Châu Âu quá tải và đau đầu khi chưa tìm được hướng giải quyết. Cuộc khủng hoảng di cư 2015 lại đang quay trở lại. Có lẽ, Châu Âu, hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới đều không phải là miền đất hứa đối với những người tị nạn bất hợp pháp.