Người Hồi giáo giữ vững tinh thần Ramadan trước đại dịch Covid-19
VOV.VN - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo năm nay sẽ diễn ra rất khác biệt so với mọi khi.
Chỉ còn vài ngày nữa, hơn 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới sẽ bước vào Ramadan, tháng lễ linh thiêng nhất đối với người Hồi giáo. Tháng lễ được mong chờ nhất của người Hồi giáo năm nay sẽ diễn ra rất khác biệt với tất cả những tháng lễ trước mà họ đã từng trải qua do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Người Hồi giáo thường đi viếng mộ và cầu kinh trước tháng Ramadan. |
Indonesia cấm hành hương về quê đón Ramadan
Tháng Ramadan là tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo. Vào thời điểm này, người Đạo Hồi thường về quê sum họp gia đình, nhịn ăn, nhịn uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, tăng cường các hoạt động cầu nguyện và từ thiện. Thông thường, trong tháng lễ Ramadan, sau nhiều giờ nhịn ăn uống, khi mặt trời lặn, mọi người thường tụ tập bên bàn ăn để chia sẻ đồ ăn.
Các tín đồ nối đuôi nhau tới các nhà thờ Hồi giáo tham gia những buổi cầu nguyện ban đêm kéo dài nhiều giờ. Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều quốc gia Hồi giáo đã áp dụng các biện pháp phong toả hoặc giới hạn xã hội khiến cho những hoạt động trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo không được trọn vẹn.
Tại Indonesia, quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới vừa ban hành lệnh cấm hành hương về quê trong mùa Ramadan này. Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 24/4 đúng ngày bắt đầu tháng Ramadan năm nay do nước này đang thực hiện Giới hạn xã hội quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2 giữa các địa phương.
Thánh đường Agung Oesman Al Khair tại Indonesia đóng cửa do lệnh giới hạn xã hội. |
Ông Rudy Hartono, người dân đảo Kalimantan năm nay đã không thể trở về nhà sum họp gia đình trong ngày này.
“Ramadan năm nay là Ramadan buồn nhất không thể sum họp gia đình vì làm việc xa nhà. Lệnh cấm rời khỏi địa phương đã được ban hành. Tôi vẫn sẽ thực hiện những nghĩa vụ bắt buộc của người Hồi giáo đối với tháng Ramadan đó là nhịn ăn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không cầu nguyện tại nhà thờ. Với tất cả những nỗ lực, tôi mong rằng dịch Covid-19 sớm qua đi”, ông Hartono bày tỏ.
Trong khi đó, Bộ Tôn giáo Indonesia cùng Hội đồng Hồi giáo Indonesia cũng đã ra thông tư yêu cầu các tín đồ Hồi giáo đón tháng lễ Ramadan tại nhà. Mọi hoạt động tập trung ăn uống xả chay, cầu nguyện tập trung đều bị cấm. Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia kêu gọi mọi người nỗ lực chung tay ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Đóng cửa các nhà thờ
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, các nhà chức trách nhiều quốc gia đã đóng cửa các thánh đường Hồi giáo, cấm tụ tập cầu nguyện đông người. Nhiều giáo sĩ có ảnh hưởng đã phải kêu gọi các tín đồ cầu nguyện tại gia.
Tại Singapore, quốc gia đang ở thời điểm khó khăn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh và có xu hướng vượt tầm kiểm soát, ngày hôm qua Chính phủ đã gia hạn thêm các biện pháp “ngắt mạch” xã hội tới ngày 1/6, bao gồm cả việc đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh tế, trừ các dịch vụ thiết yếu. Các nhà thờ Hồi giáo tại đây cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Thánh địa Mecca vắng bóng người trước Ramadhan. Nguồn: AFP |
Ông Mufti Nazirudin Mohd Nasir, nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Singapore cho biết: “Tôi cho rằng việc cần làm bây giờ không phải là mở cửa các nhà thờ Hồi giáo trừ khi dịch bệnh được kiểm soát. Tôi kêu gọi người Hồi giáo hãy giữ vững tinh thần Hồi giáo, tinh thần của tháng Ramadan. Tháng Ramadan về cơ bản là hành động nhịn ăn và như thế chúng ta cũng giúp đỡ người nghèo và người yếu thế. Đây là 2 trong 5 điều bắt buộc của một người đạo Hồi và chúng tôi có thể biết ơn rằng chúng tôi vẫn có thể thực hiện những điều này".
Đình chỉ hành hương tới thánh địa Mecca
Trong khi đó, từ đầu tháng 4 vừa qua, Saudi Arabia đã thực hiện các lệnh giới nghiệm tại thánh địa Mecca và Medina. Chính quyền nước này đã đình chỉ các chuyến hành hương về thánh địa trong suốt và năm nay, đóng cửa hầu hết các địa điểm công cộng và hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển của công dân.
Chính phủ Saudi Arabia kêu gọi người Hồi giáo trên thế giới hãy kiên nhẫn trước khi thực hiện kế hoạch hành hương cho đến khi đại dịch kết thúc. Saudi Arabia khẳng định, đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của khách hành hương, đồng thời, đang cung cấp dịch vụ chăm sóc cho 1.200 khách hành hương bị mắc kẹt tại đây do dịch Covid-19.
Tại Pakistan, các giáo sĩ Hồi giáo buộc chính phủ nước này mở cửa các thánh đường Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan. Nguồn: AP |
Mỗi năm có hàng triệu người Hồi giáo trên thế giới đổ về Arab để hành hương. Năm nay, quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong các quốc gia vùng Vịnh này đã mất đi nguồn thu đáng kể do những người hành hương mang lại. Nhiều người Hồi giáo trên toàn thế giới đã rất đau buồn vì sau cả quang thời gian dài chờ đợi, thu xếp để được tới lượt hành hương thì năm nay đã bị hoãn vô thời hạn.
Người Hồi giáo giữ tinh thần Ramadan trong bối cảnh đại dịch
Tuy nhiên, rất nhiều người Hồi giáo đã cố gắng giữ vững tinh thần Ramadhan trước đại dịch toàn cầu. Các hoạt động từ thiện được thực hiện nhiều hơn để giúp những người nghèo, những người bị mất việc làm do đại dịch Covid-19 vượt qua giai đoạn khó khăn. Chính phủ Indonesia đã cấp trợ giúp xã hội trị giá 600.000 Rupiah mỗi tháng cho những người nghèo trên toàn đất nước.
Một số nhà thờ Hồi giáo duy trì các nghi lễ tôn giáo nhưng vẫn đảm bảo giao thức y tế tránh lây lan virus. Nguồn: AFP |
Trong khi đó, chính phủ Lebannon, Syria, Iraq, và Ai Cập đã tìm cách cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và hoạt động tôn giáo khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Các tín đồ Hồi giáo tại những nước này có từ 30-90 phút sau khi hoàng hôn để cùng dùng bữa tối. Người dân được di chuyển trong quãng đường ngắn để tới thăm người thân, bạn bè trong thời gian này.
Tại Syria, người dân có 2 ngày trong tuần này để di chuyển giữa các tỉnh, trước khi lệnh phong tỏa được tái lập. Tại Pakistan, các giáo sĩ Hồi giáo đầy quyền lực đã buộc chính phủ nước này mở cửa các thánh đường Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan.
Tại Ai Cập, trong suốt tháng Ramadan, bên cạnh các nghi lễ tôn giáo, người dân thường có truyên thống xem phim hài và các phim truyền hình đặc biệt trong tháng được giữa giữa các buổi cầu nguyện và vào các bữa ăn trước khi mặt trời mọc. Một series tác phẩm truyền hình mới được sản xuất phục vụ cho tháng Ramadan năm nay trong bối cảnh bùng phát Covid-19 tại quốc gia Trung Đông này.
Bên cạnh đó, nhiều người Hồi giáo cho rằng đây là quãng thời gian giúp cho bạn gần gũi hơn với những người thân yêu trong gia đình, cùng nhau làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo./.