Người Thái tiếp tục ủng hộ chính phủ của bà Yingluck
Theo đánh giá, chính phủ Thái Lan đã có những việc làm hiệu quả, cải thiện đời sống nhân dân.
- Thái Lan đối phó đợt phá hoại của phiến quân cực Nam
- Thái Lan triển khai máy bay tuần tra tại cực Nam
- Đảng Dân chủ Thái Lan chất vấn bất tín nhiệm với Chính phủ
- Thái Lan nhập siêu hơn 10 tỷ USD
Tháng 8/2011, Chính phủ liên minh do đảng Vì nước Thái lãnh đạo được thành lập và bà Yingluck Shinawatra được bầu làm nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Trong 1 năm qua, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã giành được một số thành tựu quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, song cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Thái Lan bị thiên tai lũ lụt nặng nề, chính trị nội bộ chưa thật ổn định và nền kinh tế Thái Lan bắt đầu chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đi thăm vùng lũ ở Navanakorn (Ảnh: Reuters) |
Về đối nội, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck cơ bản duy trì được vị thế cầm quyền; làm cho tình hình chính trị - an ninh của Thái Lan tương đối ổn định, không để xảy ra biến động lớn; đồng thời xu hướng hòa giải đang dần thắng thế trong đời sống xã hội.
Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách về kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chính sách tăng tiền công tối thiểu 300 baht một ngày, chính sách thu mua thóc gạo và nông sản của nông dân; đẩy mạnh chiến dịch bài trừ ma túy; nỗ lực trong việc phòng chống lũ lụt và đền bù thiệt hại cho người dân gặp nạn.
Đáng chú ý, Thủ tướng Yingluck và các thành viên Chính phủ đã thể hiện sự năng nổ, mẫn cán và hiệu quả trong việc cải thiện đời sống nhân dân cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội.
Chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư trong, ngoài nước và tạo đà phát triển kinh tế của Thái Lan sau vụ lũ lụt nghiêm trọng cuối năm 2011; dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Thái Lan đạt khoảng 5 - 6%; duy trì được tỷ lệ lạm phát thấp khoảng 3,5% và tỷ lệ thất nghiệp thấp khoảng 1%.
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck cũng chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho Thái Lan hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Về đối ngoại, Thủ tướng Yingluck đã đi thăm 19 nước, bao gồm các nước láng giềng ASEAN và các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Australia. Các chuyến thăm này giúp tăng cường quan hệ hữu nghị và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Thái Lan với các nước. Chính phủ cũng tích cực tham dự các diễn đàn quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Thái Lan.
Những thành tựu này của Chính phủ được dư luận Thái Lan đánh giá cao. Nhiều cuộc thăm dò dư luận trong một năm qua cho thấy, đa số người dân Thái Lan ủng hộ Chính phủ và họ mong muốn Thủ tướng Yingluck tiếp tục cầm quyền.
Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong năm qua: Một số chính sách quan trọng như sửa đổi Hiến pháp, hoà giải dân tộc phải tạm dừng do chưa đạt được sự đồng thuận xã hội. Tình hình an ninh ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan diễn biến phức tạp, gia tăng các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cảnh sát, quân đội và dân thường. Xuất khẩu một số nhóm ngành hàng của Thái Lan như gạo, cao su, thực phẩm, dệt may, điện-điện tử, phụ tùng ô tô, đồ trang sức có dấu hiệu giảm sút do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu.
Thời gian tới, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck sẽ phải tăng cường năng lực quản lý điều hành của bộ máy lãnh đạo các cấp, điều chỉnh một số chính sách, biện pháp để giải quyết hiệu quả những khó khăn, thách thức này./.