Nguy cơ khủng bố gia tăng tại châu Âu khi IS thất thế ở Trung Đông
VOV.VN - Các chuyên gia nhận định, tổ chức IS càng thất thế ở Trung Đông thì nguy cơ khủng bố ở châu Âu càng tăng.
Nhân kỷ niệm một năm sau loạt vụ khủng bố tại Paris (Pháp) làm ít nhất 130 người thiệt mạng (13/11/2015), Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon hôm 13/11 lên tiếng cảnh báo, châu Âu có nguy cơ cao phải đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố.
Ông Jambon. Ảnh: Knack.
Việc IS đang thảm bại ở các chiến trường Trung Đông có thể sẽ là nguyên nhân khiến tổ chức Hồi giáo cực đoan này chuyển địa bàn hoạt động sang châu Âu và khu vực khác.
Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình RTBF, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon đã đề cập tình hình an ninh của Bỉ và châu Âu một năm sau ngày diễn ra các vụ tấn công đẫm máu tại thủ đô Paris (Pháp).
Ông Jambon cho biết, hiện có khoảng 5.000 chiến binh thánh chiến mang quốc tịch của các nước châu Âu đang ở Libya, Iraq, Syria sẽ trở về nước và chúng có thể thực hiện các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” tại nhiều nước châu Âu.
Theo ông Jambon, đã có gần 120 đối tượng tình nghi đã trở về Bỉ, một nửa trong số đó đang bị nhà chức trách giam giữ, số còn lại đang nằm trong tầm giám sát của cơ quan chức năng.
Bộ trưởng Jambon nhận định hoặc là các phần tử này tiếp tục ở lại Raqqa và cố thủ ở Mosul, Iraq để tham chiến trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vốn đang chịu rất nhiều áp lực hoặc các tổ chức khủng bố sẽ gửi bọn chúng trở về quê hương để chuyển hướng hoạt động. Hiện cơ quan tình báo Bỉ đang nỗ lực hợp tác với các đối tác châu Âu để theo dõi những phần tử khủng bố, đồng thời nhấn mạnh châu Âu cần phải sẵn sàng nếu các làn sóng khủng bố này quay trở lại.
Phát biểu tại một sự kiện tưởng niệm 1 năm vụ khủng bố ở Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi người dân Pháp tăng cường đoàn kết khi mà nguy cơ khủng bố vẫn đang hiệu hữu.
Ông Hollande nói: “Chúng ta vẫn phải đấu tranh chống khủng bố bởi mối đe dọa của nó vẫn đang ở đây. người dân Pháp vẫn sợ hãi khi nghĩ đến điều đó. Tuy nhiên, chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn trước không chỉ giữa chúng ta mà cùng với cả thế giới. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ đánh bại được chủ nghĩa khủng bố nếu chúng ta có sức mạnh của sự đoàn kết cho dù cuộc chiến có kéo dài nhiều năm”.
Chính phủ Pháp cũng tuyên bố nhiều khả năng sẽ duy trì hiệu lực của tình trạng khẩn cấp đến năm tới và siết chặt quy định chống các phương thức tài trợ khủng bố nhằm đảm bảo an toàn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp trong năm 2017.
Theo Thủ tướng Pháp Manuel Valls, các vụ tấn công liều chết được tổ chức thành nhiều nhóm ít khả năng xảy ra mà thay vào đó có thể là những cuộc tấn công đơn độc trong đó thủ phạm được tổ chức Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng "truyền cảm hứng" qua Internet và mạng xã hội giống như vụ tấn công bằng xe tải tại thành phố Nice hôm 14/7 vừa qua.
Ủy ban Tình báo Quốc hội Italy mới đây cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ khủng bố tại châu Âu khi nhận định rằng IS không phải là một tổ chức cực đoan đơn giản, mà đã kiểm soát một vùng rộng lớn, thiết lập một sự quản lý chính trị đồng thời còn thiết lập hệ thống tài chính. Vì thế, khi mà thời điểm IS bị hủy diệt đang đến gần sẽ khiến chúng điên cuồng thực hiện tấn công trả đũa không chỉ ở Syria, Iraq, Libi mà còn ở nhiều nước châu Âu.
Chuyên gia chống khủng bố của của Pháp Gilles Ferragu cho biết: “Vẫn luôn có một nguy cơ khủng bố tại Pháp và châu Âu.. Mối đe dọa không chỉ đang tồn tại mà ngày càng gia tăng bởi khủng bố đang bị thảm bại tại Trung Đông. Chúng sẽ tìm mọi cách để trả thù và cứu vãn những thất bại của chúng bằng các cuộc tấn công đẫm máu. Châu Âu và Đông Nam Á được xem là môi trường lý tưởng cho chúng hành động”
Theo các chuyên gia, việc loại bỏ IS không thể chỉ dựa vào chiến dịch không kích mà các nước phương Tây cần phải hợp tác chặt chẽ với các nước Arab để đẩy nhanh quá trình tiêu diệt IS. Trên cơ sở tiêu diệt IS bằng biện pháp quân sự, cần phải nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải chính trị tại các nước như Syria và Iraq để thiết lập một xã hội hòa bình, an ninh và chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư...
Điều này không chỉ giúp làm giảm mối lo của các nước này mà còn vì lợi ích an ninh của cả phương Tây./.