Nguy cơ xung đột giữa Israel và Palestine vượt tầm kiểm soát
VOV.VN - Lo ngại một cuộc chiến toàn diện nổ ra, hàng loạt các hoạt động ngoại giao đang được quốc tế gấp rút tiền hành để hạ nhiệt căng thẳng.
Nhiều khả năng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải tổ chức cuộc họp thứ 3 trong vòng chưa đầy 1 tuần để thảo luận về căng thẳng giữa Israel-Palestine, trong bối cảnh những tiếng rocket vẫn tiếp tục rền vang trên bầu trời Gaza đêm 12/5. Lo ngại một cuộc chiến toàn diện nổ ra, hàng loạt các hoạt động ngoại giao đang được quốc tế gấp rút tiền hành để hạ nhiệt căng thẳng.
Các vụ nổ lớn tiếp tục làm rung chuyển thành phố Gaza vào sáng 13/5 (giờ địa phương), vài giờ sau khi Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo sẽ tấn công Phong trào vũ trang Hamas kiểm soát dải Gaza nếu tình hình leo thang.
“Tôi đã nói với Hamas và nhóm Jihad rằng máu của họ đã đổ. Thực tế, cách đây không lâu, Israel loại bỏ các chỉ huy hàng đầu của Hamas. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ tấn công họ như thể họ chưa bao giờ được thấy”, ông Netanyahu nói.
Quân đội Israel trước đó cũng thông báo, khoảng 1.500 quả rocket đã được phóng từ Dải Gaza nhằm vào các thành phố của Israel kể từ khi căng thẳng leo thang hồi đầu tuần. Theo các nguồn tin, có ít nhất 67 người Palestine và 6 người Israel thiệt mạng kể từ khi bạo lực nổ ra giữa hai bên. Đây là cuộc đụng độ ác liệt nhất giữa Israel và Hamas kể từ cuộc chiến năm 2014, làm dấy lên nguy cơ tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Hàng loạt quốc gia lên tiếng bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi các bên hạ nhiệt tình hình.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh: “Tôi đã có các cuộc tiếp xúc với cả Israel và Palestine. Chúng tôi lo ngại về bất kỳ thiệt hại nào về nhân mạng của dân thường ở tất cả các bên. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt các cuộc tấn công và giảm bạo lực leo thang”.
Sự thay đổi đột ngột, chỉ trong vòng chưa đầy hai ngày, đã leo thang từ tranh chấp cục bộ ở Jerusalem, đến cuộc chiến trên không quy mô toàn diện ở Gaza. Xung đột cũng làm phức tạp thêm tình hình trong nước tại Israel, với cảnh báo về cuộc "nội chiến" khi các cuộc đụng độ xảy ra giữa người Israel gốc Do Thái và Arab, cũng như tác động đến mối quan hệ đang chớm nở giữa các quốc gia vùng Vịnh với Israel.
Những diễn biến hiện nay có khả năng làm thay đổi tính toán của các cường quốc khu vực và toàn cầu, vốn đang tìm cách gác lại cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài nhiều năm qua mà chưa có giải pháp. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách xoay chuyển Mỹ khỏi Trung Đông, tập trung vào Đông Á và Đông Nam Á cùng với việc giải quyết những thách thức trong nước. Châu Âu cũng chuyển trọng tâm khỏi cuộc xung đột Arab - Israel, tập trung vào việc phục hồi sau đại dịch, đối phó với Nga và khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định, xung đột hiện đã leo thang đến mức không thể bỏ qua, buộc các nước phải thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, sẽ cử nhà ngoại giao đến khu vực để hối thúc hai bên hạ nhiệt căng thẳng.
“Chúng tôi đang có các cuộc tiếp xúc với cả Israel và Palestin. Điều quan trọng nhất là tất cả các bên cần phải chấm dứt bạo lực, hạ nhiệt căng thẳng và ổn định tình hình”, ông Antony Blinken nói.
Nga hôm 12/5 kêu gọi một cuộc họp khẩn của nhóm Bộ tứ Trung Đông, gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc để bàn giải pháp cho những căng thẳng leo thang gần đây giữa Israel và Palestine. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cam kết "hồi sinh" nhiệm vụ của nhóm Bộ Tứ về Trung Đông và khẳng định nối lại tiến trình hòa bình là vô cùng cấp bách vì đây là cách duy nhất để giải quyết căng thẳng hiện nay./.