Nhà ngoại giao số 3 trong chính quyền Tổng thống Trump từ chức
VOV.VN - Quan chức cấp thứ 3 trong Bộ Ngoại giao Mỹ, Tom Shannon, hôm 1/2 thông báo rằng ông sẽ từ chức.
Đây là trường hợp mới nhất một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ tuyên bố từ chức kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức cách đây một năm.
Nhà ngoại giao Mỹ Shannon. Ảnh: NBC News.
Trong Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Shannon đảm nhiệm vị trí thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị. Ông là nhà ngoại giao kỳ cựu, phục vụ trong ngành này 34 năm tương ứng với 6 đời Tổng thống Mỹ và 10 đời Ngoại trưởng Mỹ.
Trong lá thư gửi cho các nhân viên ngoại giao Mỹ, ông Shannon, 60 tuổi, cho biết ông từ chức vì lý do cá nhân.
“Quyết định của tôi mang tính cá nhân, do mong muốn được dành thời gian cho gia đình, nhìn lại cuộc đời mình và vạch ra hướng mới cho những năm còn lại của mình”, ông Shannon đã viết như vậy trong thư gửi các nhân viên ngoại giao sau khi thông báo cho Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào hôm 31/1 về quyết định từ chức.
Thời gian qua, ông Shannon đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm, như việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử và quan hệ giữa Mỹ và Nga.
Việc ông Shannon ra đi vào lúc này đã khiến Bộ Ngoại giao Mỹ mất đi một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm trong bối cảnh Mỹ vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc, bao gồm mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Phong cách điềm tĩnh, kỹ năng ngôn ngữ và hàng thập kỷ kinh nghiệm đã giúp ông trở thành một lựa chọn hàng đầu cho việc xử lý nhiều nhiệm vụ chông gai nhất của nước Mỹ.
Thất vọng với Tổng thống, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sẽ từ chức?
Phát biểu trước các sinh viên trường Đại học Duke ở Bắc Carolina sau khi công bố ý định nghỉ hưu, ông Shannon nhấn mạnh rằng ông không từ chức về lý do chính trị.
“Với các sự kiện trong đời mình, tôi đã may mắn về nhiều phương diện,” ông Shannon nói với các sinh viên. “Nhưng giờ đây có một thứ mà tôi không có đủ, đó là thời gian”.
Ông cũng ghi nhận rằng quá trình chuyển giao chính trị ở Washington là khó khăn đối với các công chức chuyên nghiệp nhưng số lượng người tại Bộ Ngoại giao Mỹ phải ra đi vì lý do chính trị là “hoàn toàn nhỏ”./.