Nhân vật bí ẩn gây sóng gió trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ là ai?
VOV.VN - Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng liên quan đến vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson.
Đài phát thanh Habeturk ngày 29/7 dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiên quyết giữ vững lập trường bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đe dọa áp đặt trừng phạt Ankara nếu nước này không thả linh mục Andrew Brunson. “Chúng tôi sẽ không lùi bước khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Mỹ đừng quên rằng họ sẽ đánh mất một đồng minh thân cận”.
Linh mục Andrew Brunson bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ áp giải tại Izmir. Ảnh: AFP. |
Trước đó ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt “biện pháp trừng phạt lớn” đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến bắt giữ ông Andrew Brunson. Ngay sau khi tranh cãi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên, dư luận đã đặt câu hỏi linh mục Andrew Brunson là ai và gây ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO?
Andrew Brunson là ai?
Ông Andrew Brunson, 50 tuổi, người gốc Bắc Carolina (Mỹ), là một linh mục Kitô giáo. Theo Trung tâm luật và Tư pháp Mỹ (ACLJ), ông đã sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ hơn 20 năm, cùng với vợ và 3 con. Ông từng làm việc tại Nhà thờ Phục sinh Izmir, nằm ở thành phố duyên hải Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 10/2016, vài tháng sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Brunson bị bắt giữ với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ nước sở tại. Ông chính thức bị truy tố vào tháng 3/2018 với cáo buộc làm gián điệp và liên quan đến các tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là khủng bố như Đảng Công nhân người Kurd và Phong trào của giáo sỹ Hồi giáo Fethulla Gulen.
Nếu bị kết tội, linh mục Brunson sẽ phải đối mặt với mức án 35 năm tù giam. Dự kiến, phiên tòa xét xử nhân vật này sẽ được nối lại vào tháng 10/2018. Trước đó, ngày 25/7, một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ cho phép linh mục Brunson được chuyển sang chế độ quản thúc tại gia sau 21 tháng giam giữ.
Tổ chức ACLJ cho rằng, các cáo buộc đối với ông Brunson là không hợp pháp. Cùng chung quan điểm này, nhiều quan chức Mỹ, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ John R. Bass khẳng định: “Ông Brunson bị bắt giữ chỉ vì ông là một công dân Mỹ, và vì đã cố gắng giúp đỡ nhiều người dân tại Thổ Nhĩ Kỳ, phù hợp với niềm tin và tôn giáo ông theo đuổi”.
Tại sao Mỹ yêu cầu thả ông Brunson?
Chuyên gia Howard Eissenstat tại Đại học St. Lawrence cho rằng, vụ bắt giữ nhà truyền giáo Bruson đã gây bức xúc đối với nhiều tín đồ Kitô giáo tại Mỹ. Hơn nữa, những người dân Mỹ quan tâm đến trường hợp ông Brunson có xu hướng nhìn vấn đề qua lăng kính hệ tư tưởng: một tín đồ Kitô giáo đang bị bức hại tại một quốc gia có đông dân Hồi giáo. Đây có lẽ một trong những lý do khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ đang nỗ lực giúp Brunson được trả tự do.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã có sự quan tâm đặc biệt đối với việc đưa những người Mỹ đang bị giam giữ ở nước ngoài trở về quê hương. Chính quyền ông Trump đã làm việc với Ai Cập để nước này thả nhân viên cứu trợ người Mỹ gốc Ai Cập Aya Hijazi, bị giam giữ hồi tháng 4/2017. Vào tháng 10/2017, Mỹ đã đưa được công dân Mỹ Caitlan Coleman và chồng người Canada, Joshua Boyle cùng 3 đứa con trở về sau khi những người này bị bắt cóc khi đang đi du lịch tại Afghanistan năm 2012. Đến tháng 5/2018, bằng các nỗ lực đàm phán và ngoại giao, chính quyền ông Trump thuyết phục Triều Tiên thả 3 công dân Mỹ bị nước này bắt giữ. Và việc đưa ông Brunson trở về nước cũng không nằm ngoài mối quan tâm này.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump không đơn độc trong quyết định gia tăng gây sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 19/7, một nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ đã đề xuất dự luật trong đó kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt giam giữ các công dân Mỹ với những cáo buộc vô cớ. Nhóm này cho biết, trường hợp của ông Brunson đã thôi thúc họ phải soạn thảo dự luật nêu trên và dự luật này có thể hạn chế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận với các khoản vay quốc tế.
Thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen– một thành viên thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết: “Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ linh mục Andrew Brunson và các công dân Mỹ khác cùng nhân viên đại sứ quán là không thể chấp nhận được. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cần chấm dứt điều này bằng cách thả ngay lập tức các công dân Mỹ”. Nếu dự luật này được Quốc hội thông qua, nhiều khả năng sẽ được Tổng thống Trump ký thành luật.
Mỹ đe dọa áp đặt “biện pháp trừng phạt lớn” với Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng Brunson làm con bài mặc cả?
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù nhận thấy rằng vụ bắt giữ ông Bruson gây ra không ít phiền toái, nhưng đến thời điểm hiện tại nước này vẫn chưa có bất cứ động thái nào nhượng bộ Mỹ. Theo các nhà phân tích, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết giữ nguyên lập trường là vì coi ông Brunson như một đòn bẩy hữu ích trong chính sách “ngoại giao con tin”, buộc Mỹ phải dẫn độ giáo sỹ Fethullal Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc tổ chức của ông Gulen – người đang sống lưu vong tại Mỹ đứng sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7/2016, song ông Gulen đã bác bỏ cáo buộc này.
Tổng thống Erdogan hiểu rằng ông Brunson có vai trò quan trọng đối với phía Mỹ, vì thế việc giam giữ nhân vật này, ở khía cạnh nào đó có thể làm con bài mặc cả khiến ông Trump phải đồng ý trao đổi giáo sỹ Gulen. Trước đó, vào tháng 5/2018, Tổng thống Erdogan đã từng đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả ông Brunson, trong khi nước này từ chối dẫn độ giáo sỹ Gulen.
“Ông Gulen đang ở Mỹ. Ông ấy không không bị đối xử như tù nhân, thậm chí không bị giam giữ. Chúng tôi đã đề nghị Mỹ dẫn độ nhân vật này nhưng ông ấy vẫn chưa bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại linh mục Brunson đang bị truy tố tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc liên hệ với các tổ chức khủng bố. Liệu Mỹ có muốn đưa ông Brunson về nước hay không?”, ông Erdogan nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Eissenstat không cho rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện thỏa thuận trao đổi mà ông Erdigan đưa ra bởi các cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ đối với giáo sỹ Gulen dường như không có căn cứ. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn từ chối đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ tự nguyện thả Brunson. Đó là lý do tại sao chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn áp đặt biện pháp trừng phạt nặng tay để thay đổi quyết định của Thổ Nhỹ Kỳ.
Ngoài đe dọa trừng phạt, Tổng thống Donald ông Trump cũng đã yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giúp đỡ về trường hợp của ông Brunson. Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, để Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho Brunson, Israel đã đồng ý thả Ebru Ozkan, một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ, 27 tuổi bị Israel giam giữ vì nghi ngờ hỗ trợ phong trào Hamas tại Dải Gaza. Song, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/7 đã bác bỏ thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thả Brunson để đổi lấy việc Ozkan được cho phép rời Israel. Phát biểu với Đài phát thanh TRT, ông Erdogan nói: “Chúng tôi thông báo với phía Mỹ rằng họ có thể giúp chúng tôi đưa Ebru Ozkan trở về, nhưng chẳng bao giờ nói rằng, để trao đổi chúng tôi sẽ giao cho Mỹ nhân vật Brunson”.
Vẫn chưa rõ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ có được thực thi hay không. Nhưng ngay cả khi các biện pháp này có hiệu lực thì quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước đồng minh thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lớn hơn và hai bên khó có thể thu hẹp bất đồng trong “một sớm một chiều”./.