Nhật Bản mất 1% GDP vì căng thẳng chủ quyền với Trung Quốc
(VOV) - Căng thẳng giữa hai bên đã khiến các nhà đầu tư Nhật Bản rút vốn khỏi các dự án liên doanh.
Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục tăng lên một nấc mới, sau khi hai bên đều cử các phi đội máy bay tiêm kích "cắn đuôi" nhau và quần thảo trên không phận của nhóm đảo nằm trong khu vực tranh chấp.
Đội tàu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ngày 11/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này sẽ tăng cường đầu tư cho quân sự nhằm gia tăng bảo vệ quyền và lợi ích ở khu vực đảo tranh chấp (Ảnh: AP) |
Chiếc máy bay vận tải quân sự đa dụng Y-8 đã bay gần tới khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là chuyến bay được Bộ Quốc phòng Trung Quốc mô tả là "tuần tiễu thường nhật". Chiếc máy bay này sau đó bị một chiếc F-15 của phía Nhật Bản bám đuôi. Ngay sau đó, không quân Trung Quốc điều thêm phi đội 2 chiếc J-10 tới khu vực này để tiếp ứng.
Tuyên bố về các vụ máy bay Nhật Bản - Trung Quốc bám đuổi nhau thời gian qua, trên vùng không phận đang nằm trong vùng tranh chấp, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định: "Máy bay thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tăng cường các hoạt động giám sát chống lại Trung Quốc và mở rộng phạm vi giám sát, quấy nhiễu các hoạt động giám sát thông thường và huấn luyện của các máy bay dân sự và quân sự Trung Quốc". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cũng cáo buộc phía Nhật Bản "đang làm gia tăng căng thẳng".
Phía Nhật Bản lập tức phản ứng, tuyên bố máy bay Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động xâm phạm không phận trên vùng đảo "thuộc chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản". Nhật Bản đưa ra thống kê cho thấy chỉ tính riêng trong năm 2012, đã có hơn 150 lần các máy bay quân sự và dân sự Trung Quốc đi vào vùng không phận của nhóm đảo đang trong vùng tranh chấp.
Căng thẳng giữa đôi bên đã gia tăng kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua lại quyền sở hữu nhóm đảo trong vùng tranh chấp này từ một chủ sở hữu cá nhân, vào tháng 9/2012. Tình hình này làm thiệt hại không nhỏ tới các quan hệ kinh tế giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Theo thống kê, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa 2 bên lên tới 340 tỷ USD/năm. Theo đó, các nhà đầu tư Nhật Bản rút vốn khỏi các dự án liên doanh hoặc tìm kiếm địa điểm đầu tư mới. Báo chí Nhật Bản ước tính Nhật Bản thiệt hại tới 1% GDP vì tình trạng căng thẳng gia tăng này./.