Nhật Bản ra Sách xanh Ngoại giao 2024, Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ
VOV.VN - Sáng nay (16/4), chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách xanh Ngoại giao năm 2024 của nước này. Đây được đánh giá là tài liệu quan trọng của Bộ Ngoại giao nhằm đánh giá tổng quát tình hình và định hướng chính sách ngoại giao trong năm tài khóa 2024.
Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2024 bao gồm 369 trang, trong đó nhấn mạnh cộng đồng quốc tế kể sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh “một lần nữa tiếp tục đứng trước bước ngoặt lớn trong lịch sử” và đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và thách thức, nhất là liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như hàng loạt các sự kiện quốc tế gây bất ổn khác”.
Sách xanh viết tiếp:” Trên cơ sở đó, trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản trong năm tài khóa 2024 là “thúc đẩy toàn diện mọi hoạt động ngoại giao nhằm duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền”.
Điểm đáng chú ý, Sách xanh Ngoại giao của Nhật Bản năm 2024 lần đầu tiên sau 5 năm, tức kể từ năm 2020, chính phủ Nhật Bản mô tả rõ ràng mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc là “mối quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi”, phản ánh những kết quả đạt được sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2023 tại Mỹ. Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Trung Quốc được cho là đã tái khẳng định lập trường thúc đẩy hơn nữa quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi, đồng thời cam kết hợp tác ứng phó với các thách thức chung, cũng như xây dựng quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, Sách xanh Ngoại giao của Nhật Bản năm 2024 tiếp tục bày tỏ những quan ngại sâu sắc liên quan các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Nga gần đây, cũng như vấn đề liên quan hợp tác giữa Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó đối với nước láng giềng Hàn Quốc, lần đầu tiên sau 14 năm, chính phủ Nhật Bản mô tả mối quan hệ với Hàn Quốc là “quan hệ đối tác”, điều này phản ánh những động thái tích cực thời gian qua trong quan hệ giữa hai nước nhằm hướng tới hàn gắn rạn nứt trong quan hệ song phương. Đặc biệt, kể từ khi Tổng thống Yoon Seok-yeol lên nắm quyền, Nhật Bản đã định vị Hàn Quốc là “một quốc gia láng giềng quan trọng cần hợp tác như một đối tác trong việc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt”.
Liên quan đến vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, tài liệu cho rằng đây là “vấn đề nhân đạo nhạy cảm về thời gian và không thể thỏa hiệp trong thời gian ngắn”, Nhật Bản bày tỏ mong muốn sẽ tổ chức cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Kishida Fumio với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, liên quan vấn đề xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo ra biển, chính phủ Nhật Bản cho rằng các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Nhật Bản là “những phản ứng không có cơ sở khoa học”.
Sách xanh Ngoại giao là tài liệu chính thức, có nội dung tổng kết, đánh giá của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về tình hình quốc tế, khu vực, các đối tác - đối tượng chủ yếu của nước này, đồng thời định hướng chính sách ngoại giao trong năm 2024 của Nhật Bản. Trong những năm trước đây, các nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Triều Tiên thường xuyên đưa ra các quan điểm phản đối một số nội dung liên quan tài liệu này..
Trong khi đó, Hàn Quốc hôm nay (16/4) đưa ra phản ứng ngoại giao “mạnh mẽ” ngay sau khi quốc gia láng giềng Nhật Bản mới công bố Sách xanh Ngoại giao 2024.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập ông Taisuke Mibae, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Seoul để phản đối báo cáo thường niên của Nhật Bản trong đó có nội dung liên quan đến tuyên bố chủ quyền nhóm đảo tranh chấp giữa 2 nước mà Nhật Bản gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo.
Tờ Yonhap của Hàn Quốc cũng cho biết, Nhật Bản một lần nữa phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về việc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến trong thời kỳ Nhật Bản cai trị thuộc địa vào giai đoạn 1910-1945.
Mặc dù quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc thời gian gần đây đã có những cải thiện đáng kể. Lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục có những chuyến thăm viếng lẫn nhau nhằm thúc đẩy các mặt hợp tác, “phá băng” quan hệ sau nhiều năm rơi xuống mức thấp nhấp. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp nhóm đảo Takeshima/Dokdo và vấn đề liên quan đến đền bù cho lao động bị cưỡng bức thời chiến vốn đã tồn tại trong nhiều năm nay tiếp tục sẽ là điểm “tối” trong quan hệ 2 nước.