Nhật Bản và Hàn Quốc kiên nhẫn đối thoại tháo gỡ căng thẳng
VOV.VN - Hôm 21/8, Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành thảo luận nhưng chưa tìm được giải pháp để hạ nhiệt căng thẳng song phương.
Đây là lần nhóm họp thứ hai giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro và người đồng cấp Kang Kyung Wha trong tháng 8/2019. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đối thoại để tìm hướng giải quyết cho vấn đề này. Cuộc hội đàm diễn ra bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ba bên Nhật - Trung - Hàn tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) và người đồng cấp Kang Kyung Wha của Hàn Quốc. Ảnh: Kyodo. |
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro cho rằng, đây là một tình huống khó khăn, nhưng ông nghĩ hai bên sẽ tìm ra được giải pháp bằng việc tăng cường thảo luận.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1965. Năm 2018, tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu Tập đoàn thép Nippon Steel Corp và Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phải bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên.
Kể từ đó, hai nước liên tục đưa ra những động thái ăn miếng trả miếng. Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao để sản xuất màn hình và thiết bị bán dẫn, loại nước Hàn Quốc khỏi danh sách các nước ưu đãi thủ tục thuế quan. Để đáp lại, Hàn Quốc đã đưa Nhật Bản ra khỏi "danh sách trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy... thậm chí đã bỏ ngỏ khả năng rút khỏi Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo song phương (GSOMIA). Số lượng khách du lịch Hàn Quốc tới Nhật Bản cũng sụt giảm liên tục, các hãng hàng không tuyên bố dừng và giảm đáng kể số chuyến bay tới Nhật Bản.
Cuộc gặp diễn ra sau hội đàm ba bên Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong hội đàm ba bên, Ngoại trưởng Kang Kyung Wha cho rằng ba nước cần phải xây dựng các mối quan hệ kinh tế tự do và công bằng. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ các bước trả đũa thương mại "đơn phương và độc đoán", ám chỉ các động thái của Nhật Bản là trả đũa và đi ngược lại với tinh thần tự do thương mại./.