Nhật Bản và Mỹ lần đầu tập trận chống ngầm ở Biển Đông
VOV.VN - Nhật Bản và Mỹ ngày 16/11 lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận chung chống ngầm tại Biển Đông, trong một động thái mà các nhà phân tích cho là để thể hiện năng lực hải quân của hai nước khi Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trong khu vực.
Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cho biết, cuộc tập trận tập trung vào tác chiến chống tàu ngầm (ASW). Phía Nhật Bản đã triển khai tàu sân bay trực thăng JS Kaga (DDH-184), tàu khu trục JS Murasame (DD101) cùng trực thăng SH-60J, một tàu ngầm lớp Oyashio và một máy bay tuần tra hàng hải P-1.
Phía Mỹ có sự tham gia của tàu khu trục USS Milius (DDG-69) và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản điều tàu ngầm tham gia tập trận với Mỹ ở Biển Đông. Việc thông báo về vị trí của tàu ngầm là điều khá bất ngờ vì cả Nhật Bản và Mỹ hiếm khi tiết lộ nơi hoạt động các con tàu này.
Giới phân tích cho rằng, cuộc tập trận khẳng định quan hệ đối tác an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng phát triển trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Collin Koh - chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) nhận định, cuộc tập trận cho thấy “bước tiến hợp lý” của Nhật Bản ở Biển Đông vì có sự hợp tác của Hải quân Mỹ.
“Nó không chỉ thể hiện quyết tâm rõ ràng của hai nước đồng minh trong việc hợp tác chặt chẽ với nhau ở Biển Đông, nhằm đối phó với thách thức gia tăng từ phía Trung Quốc, mà còn cho thấy ý định của Tokyo về việc bắt kịp cam kết duy trì sự hiện diện quân sự khả thi ở Biển Đông”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Tuần trước, Nhật Bản đã điều hai tàu khu trục Kaga và Murasame của mình tham gia cuộc tập trận chung với tàu Milius của Mỹ ở Biển Đông./.