Nhật Bản vươn lên trong nỗi đau hiện hữu từ thảm họa kép 11/3
VOV.VN - Đã 9 năm sau thảm họa kép 11/3, dù nỗi đau vẫn còn hiện hữu nhưng Nhật Bản đang nỗ lực vươn lên từng ngày để khắc phục hậu quả thiên tai.
Sự sống ở Iwata, Miyagi, Fukushima - những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của thảm họa kéo động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, vẫn đang dần hồi sinh trở lạị với những con đường mới, nhà ga mới và trường học mới. Nhưng vẫn còn hàng vạn người vẫn phải đang sơ tán bởi sóng thần đã xóa trắng bao ngôi nhà và lo ngại rò rỉ chất phóng xạ từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Động đất ở Fukushima năm 2011. Ảnh: Reuters |
Gần 50.000 người vẫn sống trong cảnh sơ tán
Dân số của 3 tỉnh này so với trước khi thảm họa xảy ra đã giảm 337.000 người. 3.739 người vẫn phải sống trong tình trạng vất vả do không có nơi ở cố định và không có việc làm.
Đến thời điểm ngày 10/3/2020, số người chết do thảm họa lên tới 15.899 người, 2.529 người vẫn còn mất tích, 47.737 người vẫn phải sơ tán và sinh hoạt tại những nơi được chính quyền bố trí.
Thắp hương tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa kép 11/3. Ảnh: Bùi Hùng |
Chính quyền 3 địa phương trên cho biết, hàng ngày vẫn có rất nhiều người đến để đề đạt nguyện vọng được trở về nơi mình đã sống trước kia, hay tìm người thân mất tích.
Chính phủ Nhật Bản trong ngày hôm qua đã bãi bỏ một phần việc sơ tán đối với một số khu vực thuộc tỉnh Fukushima chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố nhà máy điện hạt nhân tại đây. Điều này chứng tỏ rằng, nguy cơ của chất phóng xạ vẫn còn. Sự chết chóc từ lòng đất mà con người không nhìn thấy đáng sợ hơn cả dịch bệnh, hơn cả những cơn sóng thần quét sạch mọi thứ trên đường đi.
Ông Ogaku tại tỉnh Iwate đã may mắn thoát chết khi phải đi làm xa. Nhưng vợ, cha mẹ và người thân gồm 5 người đã vĩnh viễn ra đi. Ông đã trở về quê hương sau ngày đó và ở lại nơi đã gắn bó với ông trong suốt 50 năm qua, để hương khói cho những người thân của mình. Với ông, quê hương vẫn còn đó, và quê hương mãi mãi là quê hương.
Để xoa dịu nỗi đau không dứt của người dân, chính phủ Nhật Bản kéo dài thêm thời gian phục hồi khu vực này đến năm 2030. Có thể sự bù đắp ấy không thể lấp đi kí ức kinh hoàng và nỗi buồn hiện hữu, nhưng đó là trách nhiệm của quốc gia đối với nhân dân mình.
Tạo công ăn việc làm
Trong buổi lễ khởi công nhà máy sản xuất giấy Daio tại thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima vừa qua, Giám đốc nhà máy Sako đã vui vẻ thông báo rằng việc xây dựng nhà máy giấy ở khu vực phía Đông Nhật Bản là một đóng góp thiết thực vào công cuộc tái thiết khu vực này, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Xây dựng các nhà máy mới, tạo công ăn việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các tình Iwate, Miyagi (Sendai) và Fukushima. Tập đoàn sản xuất ô tô lớn Toyota cũng đã xây dựng kế hoạch biến khu vực Đông Bắc Nhật Bản thành khu vực có nền công nghiệp ô tô lớn thứ 3 trong nước, cụ thể đang tiến hành xây dựng các nhà máy liên quan tại khu trung tâm của tỉnh Miyagi. Toyota cũng đã xây dựng các nhà máy vệ tinh chạy dài từ phía bắc của tỉnh Fukushima tới phía nam của tỉnh Miyagi.
Sau thảm hỏa khủng khiếp, sinh hoạt của người dân nơi đây trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Chính vì vậy những nhà máy liên tiếp mọc lên sẽ tạo nghề nghiệp ổn định cho nhiều người, giúp sinh hoạt bớt khó khăn. Một thanh niên làm việc tại nhà máy sản xuất linh kiện ngành hàng không tại tỉnh Miyagi cho rằng, đây là việc vô cùng có ý nghĩa cả về mặt tinh thần lẫn vật chất đối với người lao động.
Thiếu nhân lực - trở ngại lớn
Có thể nhìn thấy rõ nhiều nhà máy đã được xây dựng, nền công nghiệp tại khu vực phía Đông Nhật Bản đã thực sự phục hồi. Tuy nhiên, một vấn đề lớn gặp phải là thiếu nhân lực, khiến cho hoạt động sản xuất của các nhà máy cũng gặp phải khó khăn, kim ngạch bán ra không được như mong muốn.
Nhu cầu nhân lực tại khu vực này tăng gấp nhiều lần so với nhu cầu nhân lực của các khu vực khác trên toàn Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng lao động ở đây giảm dần bởi những ký ức kinh hoàng vẫn chưa thể nguôi ngoai, khiến họ không muốn ở lại nơi này. Đây là một điều khó khăn bởi khi nhu cầu người muốn tìm việc giảm thì ngay cả đời sống và hiệu suất sản xuất khó có thể nói đã hồi phục.
Một quản lý của công thiết bị phần mềm tại Miyagi cho rằng, nếu so sánh với những khu công nghiệp lân cận ngoài vùng sẽ thấy rõ điều này.
Một nguyên nhân chính nữa là nguy cơ giảm dân số ngày càng sâu sắc. Tại thành phố Yamamoto, Myagi, cứ mỗi tháng dân số của thành phố này giảm 40 người, một năm giảm khoảng 500 người. Một cán bộ ngành thương mại của thành phố nhận xét: "Cứ đà này, mặc dù các nhà máy sản xuất được xây dựng, nhưng dân số giảm mạnh sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm”.
Đây là một thực tế mà chính quyền các tỉnh khu vực chịu thảm họa kép tháng 3/2011 và chính phủ Nhật Bản đang phải đối mặt. Theo các nhà phân tích kinh tế, để giải quyết tình trạng này phải tốn nhiều thời gian. Chính phủ Nhật Bản cũng đang nỗ lực giải quyết đình trạng này để có thể sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng thiên tai.
Tâm lý người tiêu dùng
Theo các chuyên gia hạt nhân, Nhà máy điện Fukushima vẫn còn khả năng xảy ra các sự cố rò rỉ nguy hiểm. Hàng ngày có hàng trăm mét khối nước được bơm vào để làm lạnh các lò phản ứng. Số nước nhiễm xạ này sẽ được xử lý khử nhiễm để tái sử dụng, nhưng cũng chỉ khử nhiễm được một phần nào đó và phần không khử nhiễm được phải tích trong các bể chứa.
Một thị trấn hồi sinh sau thảm họa kép. |
Như vậy để xử lý các nguồn nước thải này cần một nguồn kinh phí rất lớn, nhưng vẫn không thể giải quyết được tận gốc. Hơn thế nữa, nếu để lâu ngày, nguy cơ nước nhiễm rò rỉ ra khỏi bể chứa càng lớn, và hậu quả sẽ khôn lường.
Vấn đề căn bản là phải tháo dỡ hết cả 4 lò phản ứng thì mới giải quyết triệt để được sự cố. Công ty điện lực Tokyo thông báo phải mất 40 năm để dỡ bỏ toàn bộ 4 lò này. Như vậy, cho đến khi tất cả nhà máy điện Fukushima được dỡ bỏ toàn bộ thì nguy cơ xảy ra các sự cố rò rỉ nguy hiểm là vẫn hiện hữu.
Chính vì lẽ đó, an toàn thực phẩm là vấn đề mà người dân địa phương quan tâm nhất trong thời điểm hiện tại.
Theo kiểm định của các cơ quan chức năng khu vực Đông Nhật Bản, các chủng loại thực phẩm sản xuất tại khu vực có mức độ an toàn cho người tiêu dùng. Theo điều tra của Hiệp hội công thương tỉnh Fukushima có tới 30% người tiêu dùng không mua sản phẩm chế biến của những doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh.
Trong khi đó, mỗi sản phẩm khi được bán trong các siêu thị đều được kiểm tra rất kỹ về độ an toàn, đặc biệt là kiểm định về mức độ nhiễm xạ của thực phẩm. Tuy nhiên, cũng theo một cuộc điều tra thì có tới 26% người tiêu dùng cho biết là không biết tới thông tin có kiểm tra về độ nhiễm xạ của thực phẩm.
Rất nhiều người dân vẫn tỏ ra lo ngại về mức độ an toàn của thực phẩm. Nhiều người chỉ sử dụng rau quả trong vườn nhà trồng được. Giám đốc siêu thị Akidai ở Fukushima, ông Akiba cũng thừa nhận tâm lý khách hàng vẫn chưa ổn định, và ông cũng kêu gọi người dân Fukushima hãy vượt qua tâm lý này.
Ông Kositsuka-một người dân sống ở Fukushima nói: “Thịt bò của Fukushima vừa rẻ lại ngon và an toàn nữa. Muốn thay đổi tâm lý người tiêu dùng phải hướng họ vào những sản phẩm chất lượng, trấn an tâm lý của họ”.
Vẫn còn nhiều khó khăn đang hiện hữu sau thảm họa sóng thần và chính phủ Nhật Bản sẽ phải mất nhiều thời gian nữa để vượt qua các thách thức này, song với sự cố gắng không ngừng, một ngày nào đó, vùng “đất chết” này sẽ hồi sinh./.