Nhật Bản xác định mềm mỏng hơn với các láng giềng
VOV.VN - Chính phủ Nhật Bản vừa công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2024 của nước này. Đây được đánh giá là tài liệu quan trọng của Bộ ngoại giao Nhật Bản nhằm đánh giá tổng quát tình hình và định hướng chính sách ngoại giao trong năm tài khóa 2024.
Những điểm mới gì đáng chú ý
Ngày 16/4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao năm 2024. Đây là tài liệu chính thức, có nội dung tổng kết, đánh giá của Bộ Ngoại giao Nhật Bản hàng năm về tình hình quốc tế, khu vực, các đối tác - đối tượng chủ yếu của nước này, đồng thời định hướng chính sách ngoại giao trong năm tài khóa mới của Nhật Bản. Sách Xanh Ngoại giao năm 2024 của Nhật Bản bao gồm 369 trang, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý. Cụ thể là, Chính phủ Nhật Bản đã có những mô tả mềm mỏng hơn, thể hiện sự cải thiện đáng kể trong quan hệ với các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong Sách Xanh ngoại giao năm 2024, lần đầu tiên sau 5 năm, Nhật Bản tái khẳng định cam kết thúc đẩy toàn diện quan hệ với Trung Quốc khi mô tả rõ ràng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc là “mối quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi”. Những vấn đề mà Nhật Bản và cộng đồng quốc tế quan ngại là xu hướng phát triển quân sự của Trung Quốc đã được giải quyết thông qua hợp tác với các nước có cùng quan điểm. Hai bên thể hiện cam kết nỗ lực gắn kết mối quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định.
Trong khi đó đối với Hàn Quốc, Chính phủ Nhật Bản đánh giá trong năm qua đã có những thay đổi tích cực trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc với việc hai bên tổ chức liên tiếp các cuộc gặp cấp cao, trong bối cảnh có những nguy cơ an ninh phức tạp trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, Chính phủ Nhật Bản mô tả mối quan hệ với Hàn Quốc là “quan hệ đối tác”. Nhật Bản cũng xác định, Hàn Quốc là một quốc gia láng giềng quan trọng, sự hợp tác giữa hai bên là cần thiết hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, liên quan đến các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thời gian qua, một mặt Nhật Bản tiếp tục lên án, kêu gọi Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa và hạt nhân, kêu gọi thúc đẩy giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng hướng tới tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong thời gian tới.
Bên cạnh những nội dung trên, trọng tâm trong chính sách ngoại giao của nước này trong năm tài khóa 2024 bao gồm 4 nhóm chính sách cơ bản: Đó là nỗ lực hướng đến đảm bảo hòa bình và sự phát triển ổn định giữa Nhật Bản và cộng đồng quốc tế thông qua ký kết các Sáng kiến an ninh chung, thông qua Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, các Hiệp ước an ninh khu vực và toàn cầu khác; “Thúc đẩy toàn diện mọi hoạt động ngoại giao nhằm duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền” thông qua hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm và xây dựng “các mạng lưới đa lớp” lấy liên minh Nhật - Mỹ giữ vai trò trung tâm; Triển khai chiến lược “Ngoại giao kinh tế”, với nỗ lực mở rộng trật tự kinh tế tự do và công bằng; Nỗ lực thúc đẩy sự hiểu biết và tin cậy đối với Nhật Bản.
Điều gì khiến Nhật Bản thay đổi
Những thay đổi lớn trong cách mô tả quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc của Chính phủ Nhật Bản được nhận định là phản ánh cơ bản những kết quả đạt được sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco, bang California, Mỹ vào tháng 11/2023. Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định lập trường thúc đẩy hơn nữa quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi, đồng thời cam kết hợp tác ứng phó với các thách thức chung, cũng như xây dựng quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn tồn tại căng thẳng về nhiều vấn đề, như tranh chấp song phương liên quan quần đảo Senkaku -theo cách gọi của Nhật Bản, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư; việc Nhật Bản xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển…
Bên cạnh đó, Nhật Bản luôn khẳng định và duy trì lập trường thân thiết với Mỹ về vấn đề eo biển Đài Loan. Ngoài ra, Sách Xanh cũng ghi rõ quan điểm lo ngại của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng quan hệ ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Philippines để ứng phó tình hình mới.
Trong khi đó đối với Hàn Quốc, kể từ khi Tổng thống Yoon Seok-Yeol lên nắm quyền, Nhật Bản đã xác định Hàn Quốc là “một quốc gia láng giềng quan trọng cần hợp tác như một đối tác trong việc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt”, nối lại hoạt động “ngoại giao con thoi”, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, trong đó đáng kể nhất là chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 05/2023 của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc sau hơn một thập niên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản. Có thể nhận thấy, trước những tác động, ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhận thấy việc thắt chặt hơn trong quan hệ song phương là yêu cầu cấp bách nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc của mỗi nước, góp phần duy trì ổn định, phát triển của khu vực.
Trong xu thế này, Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc, nhất là trong bối Mỹ đang muốn đẩy mạnh quan hệ với cả hai nước, nhằm duy trì Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Ngoài ra, Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong an ninh, chính trị và kinh tế ở cả hai quốc gia này.
Chuyển dịch chính sách với Nam Bán cầu và Đông Nam Á
Theo Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2024, Chính phủ Nhật Bản nhận định vai trò và ảnh hưởng của các nước thuộc khu vực Nam Bán cầu, khu vực Đông Nam Á, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng.
Những kết quả trong chiến lược ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thời gian gần đây cho thấy, một mặt nền tảng cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản vẫn là quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, mặt khác cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác với các nước có cùng quan điểm.
Đối với các nước đang phát triển, khu vực Nam Bán cầu và khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản coi đây là trung tâm để triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của nước này. Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2024 cũng khẳng định, Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực, tăng cường và mở rộng hợp tác với các nước khu vực Nam Bán cầu và khu vực Đông Nam Á, nhất là trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, không gian mạng, an ninh kinh tế, cơ sở hạ tầng chiến lược, an ninh năng lượng…, qua đó nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do và công bằng, dựa trên luật pháp, thể hiện vai trò tích cực hơn của Nhật Bản trong giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và quốc tế.
Riêng đối với Việt Nam, Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2024 cũng nhấn mạnh mối quan hệ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa hai nước dựa trên “sự tin cậy và hữu nghị được xây dựng trong nhiều năm”, đồng thời khẳng định “đó là mối quan hệ cần có nhau” giữa hai nước. Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh sự chú trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như an ninh, kinh tế, thường xuyên tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau giữa các lãnh đạo hàng đầu của hai nước, cũng như các đoàn cấp cao khác, thúc đẩy và tăng cường hợp tác trên nhiều nội dung quan trọng như đầu tư, hỗ trợ tư pháp, an ninh hàng hải, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…