Ngày 13/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ông có ý định yêu cầu Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố và tăng cường trừng phạt tài chính sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân hôm 12/2 bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế.
|
Hình ảnh vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên hôm 12/2
|
Phát biểu trong phiên họp Quốc hội, ông Abe nêu rõ: "Điều hết sức quan trọng là phạm vi Mỹ tăng cường trừng phạt tài chính lớn đến đâu, vì vậy Nhật Bản sẽ cần phải vận động hành lang với Mỹ".
Thủ tướng Abe có ý nói việc Mỹ đóng băng tài sản của Triều Tiên tại một ngân hàng ở Macao từ năm 2005-2007, khi Bình Nhưỡng còn nằm trong danh sách khủng bố. Động thái này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên, vốn từng liên hệ vấn đề này với tiến triển trong đàm phán sáu bên về tham vọng hạt nhân của quốc gia này.
Cũng trong phiên họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Tokyo "không thể loại trừ khả năng" Triều Tiên sẽ thành công trong việc phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn vào tên lửa.
Trong diễn biến liên quan, tuyên bố của Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman ra ngày 13/2 đã lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, coi đó là một vi phạm trực tiếp Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện đầy đủ các nghị quyết có liên quan của HĐBA, cụ thể là Nghị quyết 1718 (2006), 1874 (2009) và 2087 (năm 2013).
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố "quan ngại nghiêm trọng" về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 12/2, khẳng định đây là " sự vi phạm rõ ràng và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng các hành động gây hấn trong tương lai.
Cùng ngày, Đức đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại Berlin tới để bày tỏ sự phản đối vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng./.