Nhiều nước phản ứng cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ vì đưa quân vào Syria
VOV.VN - Không chỉ dừng lại ở các lời chỉ trích, nhiều quốc gia bắt đầu kêu gọi đưa ra biện pháp trừng phạt cụ thể nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Phần Lan và Na Uy hôm qua (10/10) đã xác nhận phong tỏa các thương vụ vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là phản ứng cụ thể đầu tiên từ các nước trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực đông bắc Syria, với dự đoán có thêm nhiều quốc gia trong NATO nối gót. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngay lập tức tuyên bố sẽ đáp trả mọi hành động can thiệp.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được nhiều mục tiêu chỉ định ở Đông Bắc Syria. Ảnh: Anadolu. |
Không chỉ dừng lại ở các lời chỉ trích, nhiều quốc gia bắt đầu kêu gọi đưa ra biện pháp trừng phạt cụ thể nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Na Uy Ine Soreide hôm qua thông báo, với sự phức tạp tình hình hiện nay, như một biện pháp phòng ngừa, Bộ Ngoại giao Na Uy sẽ không xét duyệt các đơn xin giấy phép xuất khẩu sản phẩm phục vụ quân sự và dân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cũng đã đề xuất dừng xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ và đề xuất này sẽ được trình lên quốc hội hôm nay (10/11). Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng vấp phải chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nước châu Âu.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitotakis khẳng định:“Hy Lạp lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm các biên giới và Hiệp ước. Điều đó phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế cũng như NATO, gia tăng ảnh hưởng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Điều đó sẽ giúp bất ổn trong khu vực không gia tăng và thiệt hại sẽ được giảm, cũng như ngăn chặn làn sóng người tị nạn mới”.
Rõ ràng đang có tâm lí không thoải mái từ các nước thành viên NATO về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và có nhiều khả năng sẽ có thêm các quốc gia theo Na Uy đưa ra biện pháp cứng rắn nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó chỉ vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chiến dịch tại phía đông bắc Syria bắt đầu, Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne cũng cho biết sẽ không phê duyệt các giấy phép xuất khẩu vũ khí mới cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước khác có tham gia vào cuộc chiến này. Dự kiến vấn đề trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18/10/2019.
Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ đáp trả mọi hành động thích đáng. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp trả nếu Mỹ áp đặt trừng phạt. Còn đối với châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ mở cửa để hàng triệu người tị nạn tràn vào Liên minh châu Âu.
Tổng thống Erdogan tuyên bố: “Liên minh châu Âu, hãy tỉnh táo lại. Tôi nói một lần nữa: nếu các nước cố tình coi hoạt động của chúng tôi là một cuộc xâm lược, nhiệm vụ của Thổ Nhĩ Kỳ rất đơn giản: chúng tôi sẽ mở cửa và đưa 3,6 triệu người nhập cư tràn sang châu Âu”.
“Người di cư” luôn là con át chủ bài quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ mỗi khi xảy ra căng thẳng với Liên minh châu Âu và trong trường hợp này cũng có thể buộc các nước trong EU phải thận trọng trong hành động. Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là phản ứng của Mỹ trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ đã trình dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Tổng thống Trăm trước đó cảnh báo sẽ phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vượt quá giới hạn về Syria.
Luôn khẳng định có thể chống đỡ trước các biện pháp trừng phạt nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã đối mặt với khủng hoảng cách đây 1 năm, tiếp tục rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua sau khi Mỹ rút quân khỏi khu vực đông bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch quân sự. Theo chuyên gia nghiên cứu Ulrich Leuchtmann tại Đức, các biện pháp trừng phạt qui mô lớn sẽ thay đổi bức tranh toàn diện nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia này có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái mới trong tình hình kinh tế không chắc chắn sau khủng hoảng năm 2018./.