Nhiều nước ủng hộ Tổng thống Syria
VOV.VN - Trong bài phát biểu tại LHQ vào hôm qua, nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Syria.
Theo các chuyên gia, một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria là điều mà không chỉ Nga và Mỹ, mà tất cả các nước đều ủng hộ, khi liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo chưa đạt hiệu quả cụ thể.
Thành phố Aleppo, Syria tan hoang sau một trận đánh bom hồi tháng 9. (ảnh: Reuters) |
Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Putin nói, Nga sẽ chỉ hỗ trợ quân sự cho quân đội hợp pháp của Tổng thống Syria Assad theo đúng nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Tổng thống Putin nhấn mạnh chỉ có người dân Syria, chứ không phải Tổng thống Mỹ hay Pháp, có quyền quyết định số phận của Tổng thống Assad.
Nhà lãnh đạo Nga cũng không loại trừ bất cứ trường hợp nào liên quan tới việc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay, cũng như không bác bỏ khả năng tham gia các cuộc không kích chung nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Nga luôn phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Hiện tại chúng tôi cung cấp hỗ trợ quân sự và kỹ thuật cho cả Iraq và Syria đang chiến đấu nhóm khủng bố. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ là một sai lầm rất lớn khi từ chối hợp tác với chính phủ Syria và các nhóm vũ trang ủng hộ họ- những người dũng cảm đối mặt với các nhóm khủng bố.”
Tuy nhiên, ông Putin khẳng định Nga sẽ không bao giờ tham gia các chiến dịch quân sự trên bộ chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo trên lãnh thổ Syria.
Chia sẻ quan điểm của Tổng thống Putin, Tổng thống Iran Rouhani cho rằng, các nước cần phải chấp nhận việc Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền. Mục đích chính hiện nay đó là chống khủng bố tại Syria, thông qua việc tăng cường cho chính phủ của Tổng thống Assad.
Tổng thống Rouhani đồng thời nhấn mạnh, một khi chính quyền Tổng thống Assad bị suy yếu, hoặc bị đẩy ra khỏi cán cân chính trị tại Syria, thì quốc gia Trung Đông này sẽ trở thành “thiên đường an toàn” cho các phần tử khủng bố.
“Chúng tôi đề xuất rằng cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố cần được quy định trong các tài liệu quốc tế và không cho phép nước nào sử dụng mục đích chống khủng bố để can thiệp vào nước khác. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị để hỗ trợ trong việc diệt trừ chủ nghĩa khủng bố và chúng tôi cũng đang chuẩn bị để giúp mang lại nền dân chủ tại Syria và Yemen”. Ông Putin nói.
Một trong những cường quốc phương Tây, Thủ tướng Anh David Cameron đã đề nghị Đại hội đồng LHQ để Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền trong chính phủ chuyển tiếp và hình thành liên minh với Nga. Ông Cameron hy vọng giải pháp mới này sẽ kết thúc 4 năm nội chiến tại Syria và tập trung sự chú ý vào tổ chức khủng bố nhóm Nhà nước Hồi giáo-nơi hàng năm chiêu mộ hàng trăm binh sỹ tới từ Anh.
Trong khi đó, phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, Mỹ sẵn sàng làm việc với Nga và Iran trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 4 năm qua ở Syria. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định sẽ không có việc Syria trở lại với chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad.
“Mỹ đã chuẩn bị để hợp tác với bất cứ quốc gia nào, bao gồm Nga và Iran để giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Thực tế chỉ ra rằng đàm phán là cần thiết để chấm dứt xung đột và đánh bật nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Song thực tế cũng cho thấy, Syria cần một con đường chuyển giao quyền lực từ chính quyền Assad cho một nhà lãnh đạo mới. Một chính phủ toàn diện sẽ giúp Syria chấm dứt khủng hoảng để người dân có thể bắt đầu xây dựng lại đất nước và cuộc sống của mình”, ông Obama nói.
Theo các chuyên gia, một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria là điều mà không chỉ Nga và Mỹ, mà tất cả các nước đều ủng hộ.
Một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện các cuộc không kích nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq hơn một năm nay. Tuy nhiên, các cuộc không kích này của liên quân chưa mang lại hiệu quả cụ thể. Nhóm Nhà nước Hồi giáo vẫn không hề suy yếu tại Iraq và Syria. Trong khi đó, xung đột tại Syria đã gây ra làn sóng người chạy trốn ra nước ngoài, một phần gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu./.