Nhiều vụ hiếp dâm phụ nữ bản địa ở Alaska (Mỹ) bị bỏ qua?
VOV.VN - Phụ nữ bản địa Alaska cho biết cảnh sát thường bỏ qua những vụ hiếp dâm, bác khiếu nại hoặc không tiến hành điều tra nhiều vụ việc tấn công tình dục.
Cô Susie không phải là một phụ nữ nhút nhát. Là một “thổ dân” của vùng Alaska, cô có thể ra ngoài giữa mùa đông rét âm độ ở ngôi làng gần vùng cực Bắc của thế giới và cắm trại cùng gia đình mỗi mùa hè ở biển Bering để bắt, phơi khô và nướng cá hồi dự trữ cho mùa đông.
Nhiều nạn nhân người bản địa của những vụ tấn công tình dục ở Alaska (Mỹ) bị chính quyền thờ ơ, phớt lờ. Ảnh: AP |
Nhưng Susie rất sợ phải trở về thành phố Nome, Alaska. Cô cho biết người đàn ông đã từng hãm hiếp cô vẫn còn ở đó. Cô chia sẻ: “Tôi rất sợ phải nhìn thấy hắn và nghĩ đến những gì hắn có thể làm. Nhưng tôi không sợ vùng quê này, hoặc bất kỳ vùng quê nào khác, bởi tôi biết hắn sẽ không thể đến đó. Nhưng Nome thì khác… Tôi không muốn ở qua đêm tại thành phố này”.
Kẻ hãm hiếp cô Susie vẫn đang được tự do, không ai bắt hắn phải đền tội. Mặc dù Susie đã báo cảnh sát Nome về việc cô bị tấn công và đã cùng cảnh sát đến bệnh viện kiểm tra nhưng theo ghi chép của bệnh viện, viên cảnh sát này đã nói với y tá rằng họ không phải bận tâm.
Bản ghi chép có viết: “Viên cảnh sát hủy cuộc điều tra này vì ông đã nói chuyện với kẻ tình nghi và người đàn ông này thú nhận đã quan hệ tình dục với cô Susie nhưng cả hai đều đồng thuận với việc đó. Bởi vậy viên cảnh sát cảm thấy không cần phải kiểm tra thêm làm gì”.
Không điều tra đến nơi, đến chốn
Câu chuyện của cô Susie không hề hiếm ở Nome, thành phố có chưa đến 4.000 dân và là khu vực trung tâm của hàng chục ngôi làng nhỏ trên vùng Eo biển phía tây Alaska. Những nạn nhân còn sống sót của những vụ hãm hiếp và những người ủng hộ chia sẻ với AP rằng sở cảnh sát thành phố thường không điều tra các vụ tấn công tình dục đến nơi đến chốn và không hề thông báo với các nạn nhân bất kỳ thông tin gì về vụ kiện của họ.
Nạn nhân và những người ủng hộ cho biết, cảnh sát ở Nome thường không mấy bận tâm và chỉ tiến hành điều tra sơ sài khi có báo cáo liên quan đến tấn công tình dục những người phụ nữ bản địa. Hơn nửa số dân ở Nome là thổ dân của vùng Alaska – phần lớn là người Yupik hoặc như cô Susie – người Inupiaq. Tất cả các sĩ quan chính thức của sở cảnh sát đều không phải người bản địa và chỉ có một sĩ quan chính thức là phụ nữ.
Theo nhiều cách, những vụ việc ở Nome đã phản ánh cuộc tranh luận toàn quốc trong ba năm qua sau một loạt vụ bê bối lạm dụng tình dục liên quan đến các ngôi sao giải trí, những ông trùm Hollywood và các chính trị gia. Khó khăn của cư dân ở Nome đã khắc họa rõ thực tế ở các vùng quê nước Mỹ vốn đang phải vật lộn với các vấn đề bạo lực tình dục và thực thi pháp luật như thế nào và sự khác biệt về lịch sử giữa các chủng tộc và những “vết thương” không ai biết đã cản trở nỗ lực giải quyết các vụ việc mà tổ chức nhân quyền Amnesty USA gọi là “dịch bệnh tấn công tình dục đối với phụ nữ bản địa ở Mỹ” ra sao.
Vào năm 2013, thời điểm cô Susie trình báo vụ tấn công của cô – cảnh sát ở Nome đã nhận được 33 cuộc gọi thông báo về những vụ việc tương tự. Năm đó, sở này đã chỉ bắt giữ 1 người với tội danh tấn công tình dục. Hồ sơ lưu trữ của cảnh sát Nome cho thấy tổng cộng, sở này đã có 372 cuộc gọi thông báo về các vụ tấn công tình dục đối với người lớn từ năm 2008 – 2017. Trong đó có khoảng 30 trường hợp (8% số vụ) là được giải quyết và kẻ tình nghi bị bắt giữ.
Để so sánh, một nghiên cứu 6 sở cảnh sát trên khắp nước Mỹ được công bố năm nay do các nhà nghiên cứu tại Đại học Massachusetts Lowell thực hiện, cho thấy chỉ dưới 19% các báo cáo tấn công tình dục đã được giải quyết và bắt giữ thủ phạm.
Theo các chuyên gia tư pháp hình sự và luật sư biện hộ cho nạn nhân sống sót sau khi bị tấn công tình dục, tỷ lệ bắt giữ đó cũng đặt ra câu hỏi về việc cơ quan cảnh sát có nghiêm túc giải quyết các vấn đề bạo lực tình dục không. Các cơ quan cảnh sát ở các thành phố lớn, vùng ngoại ô và thị trấn nhỏ đã bị cáo buộc không hề kiểm tra bằng chứng ADN thu thập được trong hàng ngàn vụ hiếp dâm; các sĩ quan bác bỏ các báo cáo hiếp dâm vì họ cho rằng những nạn nhân chưa “phản ứng” đủ mạnh; và những cảnh sát còn bỏ qua những khiếu nại hiếp dâm từ những người Mỹ gốc Phi, những người bản địa ở Mỹ và những nhóm người yếu thế khác.
Vấn đề thực sự do đâu?
Ở Nome, chính quyền địa phương đã lên tiếng bảo vệ sở cảnh sát, họ cho rằng do trình độ nhân viên thấp khiến việc trả lời các cuộc gọi giúp đỡ trở nên khó khăn.
Ông John Earthman, Ủy viên công tố quận ở Nome và những vùng lân cận cho biết các cảnh sát ở Nome đều “rất chăm chỉ và là người sống trong cộng đồng này. Họ muốn bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng đó. Nhưng không may rằng nhiều lần ở đây xảy ra những tình huống khó xử lý. Chỉ riêng việc duy trì sở cảnh sát ở vùng nông thôn Alaska đã rất khó rồi”.
Chính quyền và người dân ở Nome vẫn đang phải chật vật để hiểu được lịch sử căng thẳng giữa lực lượng cảnh sát và cộng đồng “thổ dân” Alaska. Hiện tại đã có một số cải tiến: Sở cảnh sát hiện tại đã có lãnh đạo mới và đã gia tăng quân số trong lực lượng lên khoảng hơn hai chục nhân viên. Chất xúc tác chính cho sự thay đổi này chính là một nhóm hỗ trợ không chính thức do những nạn nhân của vụ tấn công tình dục và bạo lực khác thành lập.
Sau khi tiếp quản vào cuối năm ngoái với tư cách là Cảnh sát trưởng mới của thành phố, ông Bob Estes tuyên bố rằng sở cảnh sát này đang thực hiện một cuộc rà soát nội bộ đối với hơn 460 vụ tấn công tình dục từ trước đến nay. Trong khi đó, Hội đồng thành phố đã phê chuẩn việc thuê người bảo vệ lợi ích hợp pháp cho nạn nhân đầu tiên của sở cảnh sát và thông qua một sắc lệnh thành lập ủy ban giám sát dân sự để theo dõi hoạt động của cảnh sát.
Nhưng thay đổi không hề đơn giản và nhanh chóng. Cô Lisa Navraq Ellanna, một thành viên gốc Inupiaq của nhóm ủng hộ nạn nhân bị tấn công cho biết nhóm của cô muốn một sự thay đổi lâu dài về chính sách, chứ không chỉ thay vị trí lãnh đạo./.
Bị cáo buộc hiếp dâm, tuổi chịu trách nhiệm hình sự bao nhiêu là đủ?