Nhìn lại 3 ngày Đối thoại Shangri-La 2018 về đảm bảo hòa bình, ổn định
VOV.VN - Đối thoại Shangri-La 17 chiều nay chính thức bế mạc, khép lại 3 ngày họp với 5 phiên thảo luận toàn thể bàn về những vấn đề an ninh nóng của khu vực.
Đây là Đối thoại Shangri-La có sự tham dự của nhiều Bộ trưởng Quốc phòng nhất, với 40 Bộ trưởng từ 50 quốc gia- là cơ hội để các nước nêu ra những thách thức an ninh mới mà khu vực đang phải đối mặt, từ đó đề ra các hình thức hợp tác để đảm bảo một khu vực châu Á Thái Bình Dương ổn định, hòa bình và phát triển thịnh vượng. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự các phiên thảo luận và có nhiều đóng góp vào chương trình nghị sự chung của hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Phiên toàn thể thứ 3 của Đối thoại Shangri-La 17. Ảnh: Quân đội Nhân dân.
Đối thoại Shangri-La 2018 bắt đầu với bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đề cập tầm nhìn về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương , sau đó là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng một số nước cho thấy xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách về “Châu Á - Thái Bình Dương”, Chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” của các nước lớn với khu vực. Xu hướng chuyển dịch này phản ánh vai trò không thể thiếu của khu vực với hòa bình an ninh và ổn định của thế giới, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nhận định: “Hàng nghìn năm qua Ấn Độ hướng về hướng Đông không chỉ muốn nhìn thấy ánh mặt trời mà còn muốn cầu nguyện cho ánh sáng lan tỏa khắp thế giới. Loài người đang hướng về một phương Đông đang nổi lên, bởi vì số phận của thế giới sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những diễn biến và sự phát triển của khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương”.
Với trật tự định hình an ninh đang biến đổi làm cho khu vực có những chuyển động vừa tích cực, nhưng cũng đặt ra các thách thức nghiêm trọng. Khu vực cũng phải đối mặt với các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, trong đó phải kể đến vấn đề tranh chấp chủ quyền, chủ nghĩa khủng bố… Với 5 phiên thảo luận tập trung vào “Vai trò của Mỹ và những thách thức an ninh khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương”, “Giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”, Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”, “Nỗ lực đối phó với các hình thức mới của chủ nghĩa khủng bố” và “Tăng cường hợp tác an ninh khu vực”, Đối thoại Shangri-La năm nay đã đề cập đến hàng loạt vấn đề an ninh nóng nhất của khu vực.
Có thể nói an ninh hàng hải, trong đó vấn đề Biển Đông, đã làm nóng các phiên thảo luận của Đối thoại năm nay. Bộ trưởng quốc phòng các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Singapore… đều bày tỏ lo ngại về các hành động đơn phương tại Biển Đông vì những mục đích lợi ích riêng, không có lợi cho hòa bình an ninh và ổn định trong khu vực.
Đối thoại Shangri-La cảnh báo hình thức mới của chủ nghĩa khủng bố
Một số nước cũng lên tiếng phản đối mọi hành động quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự, không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực, kêu gọi các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh: “Một số khu vực hàng hải quốc tế được cho là rất quan trọng đối với an ninh, kinh tế của một số quốc gia trong và ngoài khu vực. Điều quan trọng là các quốc gia không vì những lợi ích của riêng mình mà bỏ qua luật pháp quốc tế . Chúng ta cần phải tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc. Bất đồng cần phải được giải quyết bằng các biện pháp pháp lí và tham vấn, chứ không phải đối đầu, tự do hàng hải phải được tuân thủ”.
Trong bối cảnh đó, diễn biến tích cực cùng triển vọng lạc quan về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được thảo luận tại phiên đối thoại là điểm sáng thúc đẩy giải pháp cho những thách thức an ninh mà khu vực đang đối mặt. Các nước cho rằng, việc các bên ngồi lại với nhau, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương là con đường tốt nhất, có thể giải quyết được nhiều vấn đề trên cơ sở lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế và cơ chế khu vực. Ngoài ra, để giải quyết các thách thức, trước hết mỗi quốc gia phải tự quyết định vận mệnh của mình. Đồng thời, rất cần sự hỗ trợ, chung tay hành động một cách vô tư, công bằng, khách quan, vì lợi ích chung của các cơ chế khu vực, của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn.
Đánh giá quan điểm chung của các nước sau các phiên đối thoại, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng cho biết: “Chúng tôi thấy rằng, các nước đều muốn giải quyết trật tự an ninh đang có biến đổi ở khu vực châu Á thông qua đối thoại, xây dựng tăng cường lòng tin chiến lược, giảm bớt sự thiếu lòng tin giữa các nước lớn, đặc biệt cách hành xử của các nước lớn và nước nhỏ trong khu vực. Điểm thứ 2 là cùng chung tay đảm bảo môi trường hòa bình ổn định cho các quốc gia và vấn đề thứ 3 là khẳng định vai trò, trách nhiệm của một số nước lớn trong khu vực”.
Shangri-La 2018: Đối thoại và xây dựng lòng tin để giải quyết các thách thức
Năm nay, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Đối thoại. Việtt Nam cũng tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao với các những vấn đề an ninh nóng của khu vực, tham gia các phiên thảo luận để nắm bắt tình hình, kịp thời bảo vệ quan điểm của Việt Nam tại Diễn đàn này.
Với thông điệp “Độc lập, tự chủ, tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển”, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận thứ 3 về Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á” thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng cũng như học giả khu vực. Bên cạnh hoạt động chung của Đối thoại, Bộ trưởng đã có cuộc cuộc gặp song phương với nước chủ nhà Singapore, một số quốc gia lớn như Mỹ, Pháp, Anh cùng một số tổ chức quốc tế. Điều này không chỉ giúp tăng cường quan hệ song phương hữu nghị với các nước, mà còn giúp họ hiểu hơn những quan điểm, lập trường của Việt Nam về những vấn đề an ninh khu vực./.