Những biện pháp chống Covid-19 kỳ lạ và khác thường trên thế giới
VOV.VN - Dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng chưa từng có và nó cũng đang chứng kiến “các biện pháp đối phó chưa từng có” được nhiều nước áp dụng.
Một khu phố tại tỉnh Java miền trung Indonesia đã thực hiện ý tưởng để các tình nguyện viên hóa trang thành những hồn ma, tuần tra trên đường phố và khiến mọi người sợ hãi ở nhà để hạn chế sự lây lan của virus. Biện pháp này được thực hiện phối hợp với cảnh sát địa phương.
Những "con ma" Pocong tại Indonesia. Ảnh: 9news |
Theo đó, những tình nguyện viên mặc trong bộ đồ vải trắng, đóng vai trò là Pocong theo văn hóa dân gian Indonesia hay Malaysia là linh hồn của người chết bị mắc kẹt trong tấm vải liệm. Những người này nhảy quanh các khu phố của làng Kepuh, nhắc nhở mọi người không ra đường.
Thực tế “những hồn ma” này cũng không khiến người dân lo sợ đến mức không dám ra ngoài đường, nhưng theo những tình nguyện viên, đây là cách thu hút sự chú ý và quan tâm của người dân hiểu rõ hơn về vấn đề phòng tránh dịch bệnh.
Một tình nguyện viên chia sẻ: "Trước hết, chúng tôi muốn khác biệt. Thứ hai, để tạo ra hiệu ứng răn đe vì 'pocong' là ma quái và đáng sợ". Kể từ khi chúng tôi thiết lập rào chắn pocong, tôi nghĩ mọi người cũng hạn chế ra ngoài nhiều hơn.
Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia cũng thực hiện chiến dịch kêu gọi phụ nữ tham gia vào cuộc chiến Covid-19, với việc ở nhà cũng cần trang điểm, ăn mặc đẹp, giữ căn bếp, nhà cửa luôn sạch sẽ và tránh “cằn nhằn” chồng để ngăn chặn xung đột trong mùa phong tỏa Covid-19.
Tuy nhiên những chia sẻ kinh nghiệm này, đặc biệt qua cách thể hiện câu chuyện trên các áp-phích cổ động, đã vấp phải chỉ trích của nhiều người, cho rằng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới và duy trì khái niệm gia trưởng.
Nhiều phụ nữ còn cho rằng họ bị áp lực hơn vì những “biến thể đáng buồn của câu lạc bộ những bà vợ ngoan ngoãn”. Trước các chỉ trích này, Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia đã xin lỗi và gỡ bỏ các thông điệp gây tranh cãi.
Để thu hút sự chú ý của người dân về mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, cảnh sát ở thành phố Surat, phía tây Ấn Độ đã cùng nhau đội "mũ bảo hiểm mang hình thù virus SARS-CoV-2", cầm những tấm khiên tự chế để thông báo cho người dân về sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 và thúc giục người dân ở nhà.
Mặc dù trang phục này làm mất đi vẻ uy nghi vốn có của cảnh sát nhưng anh Yuvraj Sinh Gohil cho rằng đây là một thông điệp rất dễ nhớ truyền tải đến người dân: "Chúng tôi tạo ra hình ảnh mang tính biểu tượng để thể hiện cho người dân thấy là virus SARS-CoV-2 đang xuất hiện trên đường. Và nếu như không ở nhà mà đi ra ngoài đường thì sẽ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Virus này sau đó sẽ lây lan trong nhà các bạn”.
Để hạn chế người dân ra đường nhiều quốc gia cũng đưa biện pháp khác lạ. Ở một số thị trấn tại Colombia, người dân được phép ra ngoài dựa trên số cuối cùng trong dãy số căn cước của họ. Ví dụ người ở Barrancabermeja có số ID kết thúc với số 0, 7 hoặc 4 được phép ra khỏi nhà vào thứ Hai. Trong khi những người có số cuối là 1, 8 hoặc 5 có thể ra ngoài vào thứ Ba.
Bolivia đang đề xuất cách tiếp cận tương tự. Quốc gia Trung Mỹ Panama thì thông báo biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt theo giới tính để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Vào thứ Tư, những người đàn ông sẽ được phép ra ngoài, nhưng chỉ 2 giờ một lần. Những người phụ nữ sẽ được phép ra ngoài vào những ngày khác. Không ai được phép ra khỏi nhà vào Chủ nhật. Bộ trưởng An ninh nước này cho rằng, “biện pháp kiểm dịch tuyệt đối này không nhằm mục đích gì hơn là cứu mạng sống của bạn”.
Vẫn còn tranh cãi về tính hiệu quả của các biện pháp chống dịch khác thường này. Tuy nhiên trong nỗ lực chung toàn cầu chống dịch Covid-19, mỗi sáng kiến và ý tưởng này giúp lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân để đưa ra các biện pháp tự bảo vệ./.