Cuộc chiến của Mỹ ở Afganistan

Những sai lầm lặp lại

Ngày mai 11/9, kỷ niệm 8 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Mỹ, cũng là dịp chính quyền của Tổng thống Obama phải trả lời câu hỏi, có nên tiếp tục cuộc chiến tại Afganistan hay không?

Chính quyền của Tổng thống Bacrak Obama còn phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn, có nên tiếp tục cuộc chiến này hay không?

Điều trớ trêu là, cuộc không kích này xảy ra đúng vào thời điểm quân đội Mỹ vừa hoàn tất bản báo cáo về tình hình cuộc chiến Afghanistan sau 8 năm triển khai, trong đó nhấn mạnh ưu tiên bảo vệ dân thường và tăng cường hỗ trợ năng lực cho chính quyền ở Afghanistan. Với việc nhiều dân thường Afganistan bị thiệt mạng oan uổng trong cuộc không kích vừa qua, cho thấy lời nói của Mỹ không đi đôi với hành động.

Hơn thế nữa, chính quyền của Tổng thống Obama đang lặp lại sai lầm của chính quyền tiền nhiệm, là luôn coi thường tính mạng của người dân. Bởi thế mới có chuyện, cho dù biết địa điểm tấn công lực lượng Taliban ngày 7/9 vừa qua là một khu vực đang có đông dân thường, nhưng liên quân vẫn cố tình không kích. ở một đất nước Hồi giáo như Afghanistan, hành động đó cũng có nghĩa, Mỹ đã gây tổn hại tới lợi ích của người Hồi giáo tại quốc gia Nam Á này. Và như vậy, thông điệp mà Tổng thống Obama đã gửi tới thế giới Hồi giáo cách đây 2 tháng về nỗ lực của Mỹ xây dựng mối quan hệ tích cực tới người Hồi giáo, tỏ ra thiếu sự tin cậy.

Tại Afghanistan, khi Mỹ không thể hoá giải mối thù hận của người Hồi giáo, Nhà Trắng khó có thể thay đổi cục diện chiến trường tại quốc gia này, như mục tiêu của ông Obama. Dự báo này càng có cơ sở, khi chính Uỷ ban khiếu kiện bầu cử ở Afganistan ngày 8/9/2009 cho biết đã phát hiện có bằng chứng rõ ràng cho thấy có gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này, với chiến thắng thuộc về đuơng kim Tổng thống Hamid Karzai. Kết quả này sẽ càng làm chồng chất thêm khó khăn cho Mỹ và phương Tây, do người dân tin rằng, Mỹ đã tác động để tạo nên một chính quyền thân Washington.

Chính trong bối cảnh đó, Taliban vẫn có thể câu kết với các phần tử chống đối tiến hành các vụ tấn công bạo lực đẫm máu nhằm vào quân đội của chính phủ. Mới đây nhất, ngày 8/9, Taliban đã tiến hành vụ đánh bom tự sát ngay bên ngoài căn cứ quân sự của NATO tại sân bay quốc tế - thủ đô Afganistan.

Rõ ràng, cho dù đã thưc hiện một chính sách mới, đã cử đại sứ mới ở Afganistan, thay thế cả Tư lệnh các lực lượng vũ trang tại nước này, nhưng chính quyền Tổng thống Obama vẫn chưa đạt được một kết quả tích cực nào tại chiến trường Afganistan theo hướng có lợi cho Mỹ. Vào thời điểm này, Lầu Năm góc lại đang yêu cầu Tổng thống gửi thêm quân và cho đó là hành động cấp bách, nếu không muốn thua trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, yêu cầu này lại đang là một rủi ro chính trị lớn đối với ông Obama.

Hiện nay tỷ lệ ủng hộ dành cho ông đã giảm với tốc độ nhanh chưa từng có  kể từ thời cựu Tổng thống Gerald Ford. Trong một cuộc thăm dò ý kiến trong tháng 8 vừa qua, cho thấy có tới 60% người dân Mỹ phản đối việc duy trì binh sĩ của họ ở Afganistan. Thậm chí, một số giới bảo thủ trong chính quyền còn đặt câu hỏi: “Cần thiết hay không cuộc chiến Afganistan?” Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ cũng đang tỏ ra không hào hứng tham gia vào cuộc chiến này. Tại Nhật Bản, chính phủ mới cam kết sẽ không dính líu. ở Đức, vấn đề Afganistan đã trở thành chủ đề để các phe phái tranh cử chỉ trích lẫn nhau.

Ngày mai 11/9, kỷ niệm 8 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Mỹ, cũng là dịp chính quyền của Tổng thống Obama phải trả lời câu hỏi, có nên tiếp tục cuộc chiến tại Afganistan hay không? Một cuộc chiến mà Nhà Trắng cho rằng là cần thiết trong nỗ lực chống khủng bố. Thế nhưng trong tình hình này, nếu Mỹ vẫn áp dụng chiến thuật như hiện nay, tiếp tục gây tổn hại tới lợi ích của người Hồi giáo, kích động tư tưởng thù hận cực đoan trong lực lượng Taliban, thì họ sẽ không thể đảm nhận toàn bộ cuộc chiến. Hơn thế, mối đe doạ khủng bố vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với an ninh của nước Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên