Những tín hiệu lạc quan thận trọng trong cuộc chiến chống biến thể Omicron

VOV.VN - Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 tại Nam Phi đến nay vẫn chưa gây quá tải cho các bệnh viện, điều này khiến một số người lạc quan thận trọng rằng, biến chủng Omicron có thể gây ra các triệu chứng nhẹ.

Chưa gây quá tải cho bệnh viện

Ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho biết, các dữ liệu ban đầu tại Nam Phi - tâm chấn của đợt bùng phát biến thể mới, cho thấy “mức độ nghiêm trọng của Omicron có vẻ không cao”. Nhưng ông cảnh báo còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác.

Hiện các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng đang tìm kiếm dữ liệu sẵn có để cố gắng dự đoán tác động của Omicron vì nhiều câu hỏi về biến chủng mới cũng như sự đột biến của nó vẫn chưa được giải đáp.

Biến chủng Omicron, hiện đang chiếm tỷ lệ lớn tại Nam Phi, đã lan tới Nhật Bản và Na Uy kể từ khi được phát hiện vào ngày 25/11.  Những điều chưa biết về biến thể này đôi khi dẫn đến các đánh giá trái chiều về mối đe dọa mới. Ông Stephen Hoge – Chủ tịch hãng dược phẩm Moderna Inc nhận định, có nguy cơ rõ ràng là các loại vaccine hiện có sẽ kém hiệu quả hơn đối với biến thể Omicron, dù còn quá sớm để xác định mức độ. Các nhà phát triển vaccine khác thì bày tỏ lạc quan rằng, việc tiêm phòng vẫn có thể cung cấp sự bảo vệ nhất định nhằm ngăn cản các triệu chứng nặng.

Mặc dù mối liên hệ giữa số ca mắc và số ca nhập viện có thể tạo ra sự lạc quan thận trọng, nhưng cũng cần phải chú ý đến thời gian các triệu chứng chuyển từ nhẹ đến nặng. Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi cho biết, các triệu chứng nghiêm trọng ở những bệnh nhân nhiễm các biến thể trước đó thông thường xuất hiện từ 1 đến 3 tuần sau khi họ được chẩn đoán mắc bệnh.

Hầu hết bệnh nhân nhập viện không cần thở oxy

Số ca mắc mới theo ngày tại Nam Phi tính trung bình trong 7 ngày qua đã tăng lên đến 10.055 ca, từ mức chưa đến 300 ca ghi nhận cách đây 3 tuần. Dù biến thể mới lây lan mạnh mẽ nhưng các dữ liệu lâm sàng từ Nam Phi cho thấy nó không nguy hiểm như những đánh giá ban đầu. Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, những bệnh nhân bị nhiễm Omicron có xu hướng ít xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Hầu hết bệnh nhân nhập viện không cần thở oxy. Một số ít bị chuyển biến thành viêm phổi do Covid-19 và số người cần phải điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt cũng không đáng kể. Điều này cho thấy sự khác biệt so với các làn sóng dịch bệnh trước đây.

Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu về Bệnh Truyền nhiễm của Đại học Minnesota, Mỹ cho biết: “Chúng tôi không chứng kiến số lượng bệnh nhân mắc triệu chứng nặng nhiều như các làn sóng dịch bệnh trước” và ông rất bất ngờ về điều này.

Tuy nhiên, báo cáo của Nam Phi chỉ dựa trên những dữ liệu hạn chế với việc đánh giá và xem xét 166 bệnh nhân. Hầu hết trong số này nhập viện vì những lý do không liên quan đến Covid-19. Việc họ mắc Covid-19 chỉ được phát hiện sau khi các bệnh viện tiếp nhận tiến hành xét nghiệm cho tất cả những người đến khám và điều trị. Nhiều người thậm chí không có các triệu chứng mắc và chỉ cần lưu lại tại bệnh viện trong thời gian tương đối ngắn.

Báo cáo cho biết thêm, những người mắc mới Covid-19 có xu hướng ở độ tuổi trẻ hơn, song các tác giả cho rằng điều này có thể do hiệu quả của việc tiêm chủng, khi tại Nam Phi 57% những người trên 50 tuổi đã được tiêm phòng, trong khi con số này ở những người từ 18 đến 49 là 34%.

Marion Koopmans, trưởng khoa virus học tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan, đánh giá: “Mặc dù Omicron có vẻ gây ra các triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu ảnh hưởng của nó đối với các nhóm nhân khẩu học khác nhau. Chỉ khi biến thể lây nhiễm rộng rãi ở tất cả các nhóm tuổi, chúng ta mới có thể đánh giá chính xác được”.  

Chuyên gia dịch tế học của Mỹ, ông Anthony Fauci cũng cho rằng, cần phải đánh giá dữ liệu lâm sàng từ nhiều khu vực trên thế giới, mới có thể hiểu được mức độ nguy hiểm của Omicron so với các biến thể khác.

Omicron đã được phát hiện tại ít nhất 45 quốc gia. Song biến thể Delta vẫn là nguyên nhân chính gây lo ngại, chiếm phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng ở Mỹ.

Nhiều quốc gia – từng hy vọng sớm trở lại trạng thái bình thường mới sau 2 năm chiến đấu chống dịch bệnh, đã phản ứng trước sự xuất hiện của biến thể mới bằng cách áp đặt các hạn chế đi lại.

Anh có kế hoạch yêu cầu tất cả các du khách phải làm xét nghiệm trong vòng 48 giờ, bất kể tình trạng tiêm chủng ra sao. Pháp đã thắt chặt các yêu cầu xét nghiệm đối với du khách từ bên ngoài Liên minh châu Âu. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel của Đức, cũng kêu gọi mọi người tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 và đề cao cảnh giác với biến thể Omicron.

“Nhiều nước, trong đó có Mỹ đã đưa ra phản ứng rất gay gắt, nhằm hạn chế việc đi lại tới những quốc gia mà biến thể Omicron đang hoành hành. Phản ứng này hoàn toàn có thể hiểu được vì nó nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ cộng đồng, nhưng ngoài trách nhiệm với đất nước, chúng ta cũng cần phải xem xét trách nhiệm với phần còn lại của thế giới’, ông Fauci nói.

Sự xuất hiện của Omicron đã làm dấy lên lo ngại biến thể mới này có thể tránh được phản ứng miễn dịch do tiêm vaccine tạo ra và cản trở các nỗ lực mở cửa nền kinh tế. Nhưng các nhà khoa học cần phải mất nhiều tuần thậm chí nhiều tháng thu thập dữ liệu trong phòng thí nghiệm và dữ liệu thực tế để vén màn bí ẩn của biến thể này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chặt ngoài nhưng lỏng trong, châu Âu có nguy cơ bị “nhấn chìm” vì biến thể Omicron
Chặt ngoài nhưng lỏng trong, châu Âu có nguy cơ bị “nhấn chìm” vì biến thể Omicron

VOV.VN - Khi biến thể đáng lo ngại Omicron xuất hiện, nhiều nước châu Âu đã áp đặt hạn chế đi lại đối với khu vực miền Nam châu Phi, nhưng vẫn lơ là áp dụng các biện pháp phòng dịch trong nước.

Chặt ngoài nhưng lỏng trong, châu Âu có nguy cơ bị “nhấn chìm” vì biến thể Omicron

Chặt ngoài nhưng lỏng trong, châu Âu có nguy cơ bị “nhấn chìm” vì biến thể Omicron

VOV.VN - Khi biến thể đáng lo ngại Omicron xuất hiện, nhiều nước châu Âu đã áp đặt hạn chế đi lại đối với khu vực miền Nam châu Phi, nhưng vẫn lơ là áp dụng các biện pháp phòng dịch trong nước.

Hai bang lớn nhất Australia không thực hiện chính sách “zero Omicron”
Hai bang lớn nhất Australia không thực hiện chính sách “zero Omicron”

VOV.VN - Mặc dù biến thể Omicron được phát hiện tại Australia hơn 1 tuần nay và số người được phát hiện mang biến thể này ngày càng tăng song chính quyền hai bang đông dân nhất tại Australia là New South Wales và Victoria đều không theo đuổi chính sách “zero Omicron”.

Hai bang lớn nhất Australia không thực hiện chính sách “zero Omicron”

Hai bang lớn nhất Australia không thực hiện chính sách “zero Omicron”

VOV.VN - Mặc dù biến thể Omicron được phát hiện tại Australia hơn 1 tuần nay và số người được phát hiện mang biến thể này ngày càng tăng song chính quyền hai bang đông dân nhất tại Australia là New South Wales và Victoria đều không theo đuổi chính sách “zero Omicron”.

Thái Lan xác nhận có ca nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron
Thái Lan xác nhận có ca nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron

VOV.VN - Ngày 6/12, Thái Lan đã xác nhận tìm thấy ca nhiễm Covid-19 mang biến chủng Omicron đầu tiên tại nước này, khi một công dân Mỹ đến từ Tây Ban Nha nhập cảnh vào Thái Lan từ ngày 29/11.

Thái Lan xác nhận có ca nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron

Thái Lan xác nhận có ca nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron

VOV.VN - Ngày 6/12, Thái Lan đã xác nhận tìm thấy ca nhiễm Covid-19 mang biến chủng Omicron đầu tiên tại nước này, khi một công dân Mỹ đến từ Tây Ban Nha nhập cảnh vào Thái Lan từ ngày 29/11.