Những vấn đề nảy sinh khi Hong Kong thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19
VOV.VN - Việc Hong Kong (Trung Quốc) áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt trong một thời gian dài đã khiến người dân đặc khu hành chính này phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần và những thiệt hại về kinh tế.
Trong 2 năm bùng phát dịch bệnh, Hong Kong (Trung Quốc) đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa hàng loạt các trường học và cơ sở kinh doanh, cấm người dân tụ tập nơi đông người... Việc áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt trong một khoảng thời gian dài đã khiến người dân của đặc khu hành chính phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần và những thiệt hại về kinh tế.
Người dân Hong Kong đã phải tạm dừng hầu hết các hoạt động kinh doanh của mình và cố gắng “kéo dài” sinh kế trong mùa dịch. Một số chủ doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản khi chịu nhiều tổn thất nặng nề và “gồng gánh” nhiều chi phí để duy trì hoạt động.
Jacky Ip, 33 tuổi là chủ một quán rượu ở Cửu Long (Hong Kong), nơi từng mở cửa đến 4h sáng trước khi đại dịch bùng phát nhưng sau đó đã bị hạn chế về thời gian hoạt động trong ngày chia sẻ: “Chúng tôi đã tổn thất đến mức gần như phải đóng cửa cơ sở kinh doanh của mình”. Mặc dù việc kinh doanh bị gián đoạn nghiêm trọng nhưng anh Jacky vẫn phải bỏ ra một khoản tiền lớn mỗi tháng cho chi phí thuê nhà và trả công cho nhân viên.
Bên cạnh những vấn đề về thiệt hại kinh tế, người dân Hong Kong cũng gặp các vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trẻ em. Các trường học ở thành phố đã đóng cửa trong một khoảng thời gian dài, buộc trẻ em tại đây phải học trực tuyến tại nhà và chỉ có thể tương tác với bạn bè và giáo viên thông qua các phần mềm học từ xa. Điều này đang khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về khả năng phát triển kỹ năng giao tiếp của các em, nhất là những bé đang học mẫu giáo. Nhiều em xu hướng ngại giao tiếp và tiếp xúc với mọi người do ít có cơ hội ra ngoài và giao lưu.
Lin Chan, 33 tuổi, chủ một cơ sở làm đẹp tại Hong Kong tỏ ra rất lo lắng cho cậu con trai gần 3 tuổi mình khi phải đeo khẩu trang mỗi ngày và ít giao tiếp với mọi người xung quanh: “Con tôi không được đến lớp, phải học trực tuyến qua Zoom. Các công viên ngoài kia đều đóng cửa nên con ít có hội gặp mặt, vui chơi với bạn bè và người thân, dẫn tới việc chậm nói và chứng sợ người lạ”, chị chia sẻ.
Điều người dân Hong Kong hy vọng nhất lúc này là có thể nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường, ổn định nguồn thu nhập và tái hòa nhập với xã hội.
Mới đây, giới chức Hong Kong đã đưa ra quyết định sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế vào tuần tới, song vẫn khó có thể khắc phục được những thiệt hại mà người dân thành phố phải đối mặt trong suốt thời gian qua./.