Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 tại Áo có “tiến bộ”
VOV.VN - Cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao các nước được mô tả là có tiến bộ nhưng chưa đủ để cứu vãn một thỏa thuận quan trọng đang bên bờ đổ vỡ.
Ngày 28/6, tại thủ đô Viên, Áo, quan chức ngoại giao các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran đã gặp nhau trong một nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 sau khi Mỹ tuyên bố rút hồi năm ngoái. Cuộc gặp được mô tả là có tiến bộ nhưng chưa đủ để cứu vãn một thỏa thuận quan trọng đang bên bờ đổ vỡ.
Tại cuộc gặp, đại diện các cường quốc trấn an phía Iran rằng, châu Âu mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bằng việc thúc đẩy cơ chế trao đổi thương mại giữa hai bên, với tên gọi Instex, mà không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ.
Được Anh, Pháp, Đức đề xuất vào tháng Giêng năm nay, Instex là một trong những điều kiện hàng đầu mà Iran đặt ra đối với châu Âu để có thể níu kéo quốc gia Hồi giáo này ở lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Nó sẽ giúp đảm bảo trao đổi thương mại giữa châu Âu và Iran bằng cách cho phép hai bên trao đổi tiền mà không cần dựa vào các giao dịch tài chính xuyên biên giới thông thường.
Tuy nhiên, dù một số giao dịch đầu tiên của cơ chế này đã được thực hiện, nhưng 3 nước khởi xướng chưa chính thức công bố cơ chế đi vào hoạt động, và điều này làm cho Iran chưa thể yên tâm với cam kết mà Liên minh châu Âu đã đưa ra.
Thừa nhận cuộc họp có tín hiệu khả quan, nhưng Thứ trưởng ngoại giao Iran Abbas Araqchi nói rằng, điều đó là chưa đủ để có thể thuyết phục được hoàn toàn Iran.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. Ảnh IRNA |
"Cuộc họp mang tính tích cực và xây dựng, có kết quả tiến bộ hơn so với cuộc họp trước đây, nhưng như thế là chưa đủ, bởi nó vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng để cơ chế Instex mang lại lợi ích cho Iran, châu Âu cần phải mua dầu lửa hoặc cân nhắc dàn xếp tín dụng cho cơ chế này, bằng không nó không đáp ứng mong đợi của chúng tôi" -Thứ trưởng ngoại giao Iran nói.
Mô tả cuộc thảo luận giữa các bên mang tính xây dựng, nhà đàm phán hàng đầu của Liên minh châu Âu, bà Helga Schmid nói rằng, EU sẽ sớm cung cấp khoản tín dụng khiêm tốn trị giá 3 triệu euro để chính thức khởi động cơ chế này.
Trong một tuyên bố chung được công bố cùng ngày, Áo, Bỉ, Phần Lan, Hà Lan, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển cho biết họ ủng hộ và sẽ hợp tác với Anh, Pháp, Đức để hiện thực hóa cơ chế Instex.
Trong khi đó, đặc phái viên Trung Quốc, ông Fu Cong, một lần nữa phản đối lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Iran và khẳng định Trung Quốc sẽ nhập khẩu dầu của Iran, bất chấp lệnh cấm của Mỹ. Ông cũng cho rằng, kết quả cuộc họp tại Áo mang lại tín hiệu tích cực cho các bên:
"Một điều quan trọng tại cuộc họp này là các bên đều lấy làm tiếc khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, áp đặt lệnh cấm vận, cũng như gia tăng áp lực tối đa lên Iran. Nhưng nhìn chung cuộc họp mang lại kết quả khá tốt, có lợi cho việc giảm bớt căng thẳng trong khu vực" - ông Fu Cong nói.
Do còn nhiều vấn đề chưa ngã ngũ, Thứ trưởng Ngoại giao Iran cho hay, tất cả các bên tham gia cuộc họp đồng ý sẽ tổ chức cuộc gặp cấp Bộ trưởng vào thời gian sớm nhất để tiếp tục thảo luận nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015./.
Iran: Vụ tấn công mạng của Mỹ nhằm vào các mục tiêu Iran đã thất bại
Bộ Ngoại giao Iran lên án hành động vi phạm không phận Iran của Mỹ