Nỗ lực gia nhập NATO gặp khó, Phần Lan và Thụy Điển tìm cách xoay chuyển tình thế
VOV.VN - Phần Lan và Thụy Điển ngày 25/5 cử phái đoàn tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục nước này thay đổi lập trường và “bật đèn xanh” cho các nỗ lực xin gia nhập NATO.
Theo Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, đối thoại sẽ vẫn tiếp tục. Phần Lan và Thụy Điển đang nỗ lực giải tỏa những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ có một số lo ngại về an ninh của họ trước nguy cơ khủng bố... Chúng tôi nghĩ rằng những vấn đề này có thể được giải quyết. Cũng có thể có một số vấn đề không liên quan trực tiếp đến Phần Lan và Thụy Điển mà liên quan đến các thành viên NATO khác. Nhưng tôi cũng chắc chắn rằng với thiện chí, NATO có thể giải quyết được vấn đề”, ông Haavisto nhấn mạnh.
Bất chấp việc Phần Lan và Thụy Điển nhiều lần bác bỏ, Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn cáo buộc hai nước chứa chấp, tài trợ và cung cấp vũ khí cho các nhóm mà nước này liệt vào danh sách “phần tử khủng bố”, đặc biệt là nhóm vũ trang đảng Công nhân người Kurd (PKK). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi tuần trước thậm chí tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố hai quốc gia Bắc Âu không cần bận tâm tới việc cử phái đoàn đến thuyết phục Ankara. Nước này sẽ chỉ chấp thuận đơn xin nhập của Thụy Điển và Phần Lan nếu hai nước đáp ứng được những điều kiện như chấm dứt hỗ trợ chính trị, tài chính và vũ khí cho các tổ chức khủng bố, cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm triển vọng gia nhập liên minh quân sự một cách nhanh chóng của Phần Lan và Thụy Điển. Để có thể trở thành viên NATO, Phần Lan và Thụy Điển phải trải qua quá trình xét duyệt có thể kéo dài một năm, và phải được toàn bộ 30 thành viên NATO đồng thuận, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận: “Khi Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại, như thông lệ, chúng tôi cùng thảo luận về những khác biệt và cố gắng tìm ra giải pháp. Dù vào thời điểm hiện nay chưa thể đưa ra một câu trả lời cụ thể, song chúng tôi tự tin có thể giải quyết được vấn đề. Tất cả các đồng minh, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ đều nhất trí rằng việc mở rộng NATO là một thành công lớn, giúp ổn định châu Âu và chúng tôi cũng nhận ra cách thức mà những nước thành viên trong tương lai như Phần Lan và Thụy Điển có thể củng cố NATO, củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.
Triển vọng Phần Lan gia nhập NATO không những tăng biên giới trên đất liền giữa NATO và Nga lên gấp đôi, từ hơn 1.200km hiện nay lên hơn 2.500 km, mà còn mở rộng sườn Bắc của NATO tới những khu vực có ý nghĩa chiến lược với Nga như Murmansk hay Kola. Chính vì thế, sự thay đổi bất ngờ của Phần Lan từ một nước trung lập cân nhắc gia nhập NATO được cho là sẽ tác động tới môi trường an ninh châu Âu.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, an ninh của hai nước sẽ không được củng cố sau quyết định này, mà thậm chí còn làm gia tăng căng thẳng quân sự trong khu vực, gây suy giảm khả năng phán đoán tình hình của các bên. Điều này chỉ khiến Nga phải “tái cân bằng tình hình” bằng các biện pháp của riêng mình./.