Nội bộ EU chia rẽ vì kế hoạch cấm vận dầu và khí đốt từ Nga
VOV.VN - Yêu cầu từ các nước Ba Lan và các quốc gia Baltic về việc Liên minh châu Âu cần ngay lập tức cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga hay chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga đã không nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước.
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp ngày 21/3 đã thể hiện các bất đồng công khai liên quan đến kế hoạch cấm vận dầu và khí đốt từ Nga, khi một số thành viên Đông Âu và Baltic yêu cầu phải tiến hành biện pháp này ngay lập tức nhưng một số nước như Đức, Hà Lan, Italia kiên quyết phản đối.
Mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là một trong những nội dung trọng tâm được các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU thảo luận trong các phiên họp tại Brussels trong ngày 21/3. Tuy nhiên, yêu cầu từ các nước như Ba Lan hay các quốc gia Baltic về việc Liên minh châu Âu cần ngay lập tức cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga hay chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga không nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước.
Phát biểu tại Brussels, Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock cho rằng, việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga là một thực tế tại nhiều quốc gia châu Âu và sự phụ thuộc này sẽ không thể lập tức chấm dứt chỉ trong thời gian ngắn. Về tổng thể, 27% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt tiêu dùng tại châu Âu là nhập khẩu từ Nga, trong đó cường quốc kinh tế số 1 châu Âu là Đức nhập 55% lượng khí đốt tự nhiên, 52% lượng than và 34% dầu từ Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck mới đây cũng thừa nhận, nếu cắt đứt ngay lập tức nguồn cung năng lượng từ Nga, nền kinh tế Đức sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, với việc gia tăng đói nghèo và thất nghiệp. Ngoài Đức, các nước như Italia, Hà Lan, Áo hay Slovakia cũng không ủng hộ việc cấm vận ngay lập tức nguồn cung năng lượng từ Nga.
Trước việc các nước thành viên chia rẽ sâu sắc về kế hoạch này, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cho biết, chủ đề này sẽ được các nguyên thủ châu Âu thảo luận sau, có thể là ngay trong tuần này tại Thượng đỉnh EU và Thượng đỉnh NATO, với sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong nhiều ngày qua, chính quyền Mỹ cũng đã gây sức ép buộc các nước châu Âu hành động theo Mỹ và Anh trong việc cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga, tuy nhiên, giới quan sát cho rằng châu Âu sẽ khó có thể lập tức hành động giống Mỹ bởi nguồn cung dầu của Nga chỉ chiếm khoảng 8% tổng sản lượng dầu nhập khẩu của Mỹ.
Ngoài việc thảo luận về khả năng cấm vận năng lượng Nga, các Bộ trưởng EU cũng đã họp bàn và thống nhất thông qua kế hoạch triển khai lực lượng phản ứng nhanh 5.000 quân của EU vào năm 2025. Phía Đức đã đề xuất được đứng ra cung cấp nhân lực chính cho lực lượng này. Đây là một phần trong chiến lược “Strategic Compass” mà EU đã công bố từ cuối năm 2021 nhưng được đẩy nhanh tiến độ triển khai sau khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraina.
Một chủ đề khác cũng gây chú ý là việc ứng phó với khủng hoảng tị nạn từ Ukraina. Theo các số liệu, sau gần 1 tháng diễn ra xung đột tại Ukraina, đã có khoảng 3,4 triệu người rời khỏi Ukraina sang lánh nạn tại các quốc gia EU, khiến khối này đối mặt với làn sóng tị nạn bùng phát nhanh nhất và lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới 2.
Bà Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Đức, một trong những nước đang tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraina nhất hiện nay, cho rằng châu Âu cần các đối tác trên toàn thế giới trợ giúp mới có thể ứng phó được với cuộc khủng hoảng này.
“Hàng triệu người đang chạy loạn. Châu Âu hiện đã nhận hơn 3 triệu người tị nạn từ Ukraina và chúng tôi ước tính con số có thể lên tới 8 triệu người trong những tuần tới. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp sự trợ giúp cho những người tị nạn nếu có sự phối hợp cùng hành động với các đối tác tại châu Âu và trên toàn thế giới và ngay bây giờ phải tạo ra các điều kiện về hậu cần cho việc phân bổ người tị nạn trong nội bộ châu Âu cũng như cả sang phía bên kia Đại Tây Dương”, bà Annalena Baerbock nói./.