Nội chiến Syria đậm chất giáo phái và chủ nghĩa cực đoan
(VOV) - Chính phủ Syria đã nhiều lần cảnh báo rằng các nhóm phiến quân mang đậm bản chất ‘khủng bố’.
Cuộc nội chiến Syria ngày càng mang dấu hiệu của một cuộc xung đột giáo phái và của sự xâm nhập của lực lượng khủng bố. Bất chấp các nỗ lực ngoại giao của quốc tế, bóng tối bạo lực và hận thù vẫn bao trùm quốc gia Trung Đông này.
Phe đối lập Syria, trong đó có những phần tử cực đoan người Sunni hôm 12/6 đã tấn công một ngôi làng và giao tranh với dân quân bảo vệ chính quyền, làm hơn 60 tay súng người Shiite và dân thường bị thiệt mạng. Cuộc tấn công này là bằng chứng mới cho thấy cuộc nội chiến Syria mang màu sắc của sự thù hận giáo phái.
Hơn nữa, những phần tử cực đoan đang ngày càng xâm nhập vào hàng ngũ các phe nhóm đối lập, bởi những tay súng giành chiến thắng ngày 12/6 tại ngôi làng Hatla (gần biên giới với Iraq) đã giơ lá cờ đen của chủ nghĩa cực đoan. Thậm chí trong một số cuốn băng video nghiệp dư, các tay súng còn đeo băng buộc đầu theo kiểu al-Qaeda và nói những lời phỉ báng người Shiite.
Xung đột Syria lan rộng ra Bắc Lebanon (ảnh: Sunday Zaman) |
Sự thù hận giáo phái vốn âm ỉ đã có cơ hội bùng phát và vượt ra bên ngoài biên giới Syria, cuốn một số nước láng giềng vào cuộc chiến này. Ngay trên lãnh thổ miền Bắc Lebanon, thời gian qua đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa 2 phe: những người Hồi giáo Salafist ủng hộ lực lượng nổi dậy tại Syria và các thành viên đảng Xã hội chủ nghĩa Dân tộc ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cảnh báo cuộc nội chiến Syria lan rộng đe dọa lệnh ngừng bắn 40 năm nay giữa Syria và Israel tại Cao nguyên Golan.
Chính phủ Syria nhiều lần cảnh báo hậu quả của việc các nước phương Tây ủng hộ các nhóm vũ trang, và nhấn mạnh bản chất "khủng bố" của các nhóm này.
Nhưng bất chấp cảnh báo cuả chính quyền Syria, Mỹ và các nước phương Tây vẫn đang cân nhắc hình thức hỗ trợ phe đối lập Syria. Các quan chức phương Tây cho biết sẽ gặp tư lệnh của Quân đội Syria Tự do, ông Salim Idriss để bàn cách viện trợ mới cho phe đối lập. Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama sẽ họp trong tuần này để quyết định có cấp vũ khí cho phe đối lập hay không.
Trong khi đó, dư luận quốc tế hiện vẫn mong đợi 2 bên tham chiến ở Syria ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp chính trị.
Hôm 12/6, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, với vai trò chủ nhà đăng cai hội nghị 8 nước công nghiệp phát triển (G8) vào tuần tới, Anh sẽ cố gắng thuyết phục chính phủ Syria và phe đối lập dự hội nghị quốc ở Geneva do Nga, Mỹ tổ chức.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Cameron nói: “Chúng tôi sẽ nhân cơ hội hội nghị G8 để gây sức ép buộc 2 bên tới dự hội nghị hòa bình ở Geneva, tham dự tiến tình hòa bình và hướng tới một chính phủ chuyển tiếp ở Syria. Tôi vui mừng thông báo rằng, tổng thống Nga Putin sẽ đến trước để thảo luận về cuộc xung đột Syria trước khi diễn ra hội nghị G8”.
Giới quan sát hy vọng những nỗ lực ngoại giao của quốc tế tại Hội nghị Geneva và Hội nghị G8 sẽ giúp Syria tránh được một cuộc chiến tranh mang tính giáo phái và cực đoan như đã từng xảy ra ở Iraq./.