Nội dung điện đàm Nga-Mỹ: Tâm điểm mới trong cuộc chiến chính trị ở Mỹ
VOV.VN - Đảng Dân chủ tiếp tục gia tăng sức ép với tuyên bố quyết tâm tiếp cận nội dung các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và phía Nga.
Sau tiết lộ nội dung cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ-Ukraine gây sóng gió trên chính trường Mỹ gần đây, Đảng Dân chủ tiếp tục gia tăng sức ép với tuyên bố quyết tâm tiếp cận nội dung các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo thế giới khác, đặc biệt là với Tổng thống Nga Vladimir Putin do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Nga đã ngay lập tức có phản ứng trước những diễn biến trên chính trường Mỹ.
Chính trị gia Zelensky và Trump. Ảnh: CNN. |
Điện Kremlin của Nga hôm 30/9 cho biết, Mỹ cần nhận được sự chấp thuận của nước này để công bố chi tiết các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, theo quy tắc, các tài liệu liên quan đến những cuộc nói chuyện ở cấp nguyên thủ quốc gia như vậy sẽ được đóng dấu mật hoặc là ‘tuyệt mật’. Vì vậy, việc tiết lộ các thông tin này phải tuân thủ các nguyên tắc ngoại giao thông thường.
“Với việc thông báo chi tiết bản điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ thì một số đoạn có thể được công bố, nhưng với sự nhất trí của cả hai bên. Đây là một hoạt động theo thông lệ ngoại giao thông thường. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận điều này nếu Mỹ đưa ra các tín hiệu rõ ràng”.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó cũng khẳng định, việc Mỹ công bố nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine đã làm thay đổi hình thức quan hệ giữa các quốc gia, bộc lộ những rủi ro trong các cuộc trao đổi với phía Mỹ. Nga cũng cảnh báo những hậu quả tiêu cực xuất phát từ quyết định này của Mỹ.
Tổng thống Nga và Mỹ đã tổ chức ít nhất 11 cuộc điện đàm kể từ khi ông Trump lên nhậm chức và hai bên cũng đã có một vài lần gặp gỡ cá nhân, chỉ có sự tham gia của 1 người phiên dịch. Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiện của Tổng thống Trump với ông Putin, cùng với tuyên bố bác bỏ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 đã khiến các cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo này trở thành tâm điểm mới của Đảng Dân chủ. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff tuyên bố, Quốc hội quyết tâm tiếp cận các cuộc điện đàm của ông Trăm với Tổng thống Nga cũng như nhà lãnh đạo thế giới khác, với lo ngại rằng nhà lãnh đạo phe Cộng hòa có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
“Tất nhiên tôi hi vọng có thể sớm biết nội dung các cuộc điện đàm và mục đích ở đây là bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ, xem xét liệu trong các cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là với Tổng thống Nga Putin, ông Donald Trump có làm hủy hoại an ninh quốc gia theo cách nghĩ sẽ làm lợi cho cá nhân ông trong chiến dịch tranh cử hay không. Nếu có bất cứ hành động nhằm che giấu các cuộc điện đàm này chúng tôi sẽ quyết tâm tìm ra”.
Hiện chưa rõ làm thế nào Nga có thể ngăn chặn việc tiết lộ thông tin nội dung các cuộc điện đàm nếu Quốc hội Mỹ yêu cầu, mặc dù Nhà Trắng có thể tuyên bố những tài liệu này được bảo vệ theo đặc quyền hành pháp.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi trong tuần qua thông báo khởi động cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Trump, khi cáo buộc ông phản bội lại lời tuyên thệ nhậm chức và an ninh quốc gia, với việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ một quốc gia khác trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Theo thông tin tiết lộ từ cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky vào tháng 7 vừa qua, ông Trump đã đề nghị Tổng thống Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden- một ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Tổng thống Trump hôm 30/9 tiếp tục có chỉ trích nhằm vào những nghị sĩ đang tiến hành cuộc điều tra luận tội chống lại ông, gọi đây là “một sự ô nhục”.Trong khi đó, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết, ông sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở một phiên tòa nếu các Hạ nghị sĩ quyết định luận tội Tổng thống Trump.
Cuộc thăm dò mới nhất cũng cho thấy tỉ lệ người dân Mỹ ủng hộ luận tội Tổng thống đang gia tăng trong tuần qua. Khảo sát của Reuters/Ipsos hôm 30/9 cho thấy, 45% người được hỏi tin rằng ông Trump nên bị luận tội liên quan đến vấn đề Ukraine, tăng 8 điểm so với cuộc thăm dò tương tự vào tuần trước. Trong khi đó, 41% số người được hỏi cho rằng Tổng thống không nên bị luận tội và 15% không có câu trả lời./.