Nước Mỹ đoàn kết quanh chiến lược chống tin tặc quốc tế

(VOV) - Nhà Trắng đã công bố chiến lược chống các tin tặc nước ngoài chuyên moi bí mật thương mại của Hoa Kỳ.

Hôm 20/2, Nhà Trắng tỏ thái độ dứt khoát hơn nữa trong việc quyết liệt bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ và an ninh kinh tế, cũng như xây dựng các bộ luật cứng rắn để đối phó với nguy cơ tấn công từ nước ngoài.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia tin học cảnh báo mạnh mẽ về nạn ăn cắp các bí mật thương mại của Mỹ xuất phát từ Trung Quốc và một số nước khác.

Nhà Trắng không chỉ đích danh Trung Quốc, vốn bị nhiều người xem là mối đe dọa chính, và cũng chưa đề xuất các hình phạt mới đối với các đối tượng vi phạm. (Một nghiên cứu được 1 hãng bảo mật công bố mới đây đã tố quân đội Trung Quốc dàn dựng vô số các vụ tấn công mạng nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ - cáo buộc này đã bị Bắc Kinh phủ nhận.)

Chính quyền Obama cho biết chiến lược của mình nhằm chống lại cái mà Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder gọi là “một mối đe dọa đáng kể và gia tăng một cách ổn định đối với kinh tế và các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.

Dựng hàng rào phòng vệ mới

Ông Holder tuyên bố tại 1 buổi lễ công bố chiến lược của Nhà Trắng, rằng “công nghệ mới một mặt loại bỏ các rào chắn truyền thống đối với thương mại quốc tế, mặt khác lại khiến bọn tội phạm dễ ăn cắp các bí mật và phạm pháp ở khắp mọi nơi trên thế giới này”.

 
Các quan chức thương mại Mỹ tại buổi họp báo trong 1 phiên họp của Ủy ban Hỗn hợp Thương mại Mỹ-Trung (ảnh: Reuters)

Theo lời Holder, tội phạm gồm đủ loại, từ cá nhân, công ty đến các quốc gia háo hức muốn có lợi thế trên thương trường.

Chiến lược bao gồm hợp tác với các chính phủ đồng quan điểm để gia tăng áp lực lên các “nhân vật xấu”, sử dụng công cụ chính sách thương mại bất cứ chỗ nào có thể áp dụng được, tăng cường truy tố tội phạm và dành 120 ngày để xem xét việc có cần ban hành thêm luật mới hay không.

Báo cáo của công ty bảo mật nói trên không nêu đích danh nước nào là thủ phạm chính tấn công Mỹ, nhưng lại liệt kê 17 trường hợp các công ty hoặc cá nhân Trung Quốc đã ăn cắp các bí mật thương mại kể từ năm 2010, mức độ nhiều hơn hẳn bất cứ quốc gia nào khác được đề cập trong bản báo cáo này.

Chiến lược mới được cho là phát huy các nỗ lực trước đây của chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ bản quyền trí tuệ vốn là động lực cho kinh tế Mỹ và giúp tạo công ăn việc làm.

Báo cáo về chiến lược mới nhắc lại khuyến nghị của Nhà Trắng năm 2011 về việc nâng mức án cao nhất cho tội gián điệp kinh tế lên tối thiểu 20 năm so với 15 năm hiện nay.

Chiến lược cũng thúc đẩy xây dựng 1 bộ quy chuẩn an toàn để các công ty áp dụng nhằm giúp họ tự bảo vệ trước các nguy cơ gián điệp mạng.

Hiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tăng cường nỗ lực chống xâm nhập vi tính do các hacker cá nhân hoặc hacker của công ty và của quốc gia tiến hành để ăn cắp bí mật thương mại.

Gây áp lực ngoại giao

Thứ trưởng Ngoại giao Robert Hormats phát biểu: “Chúng tôi liên tục bày tỏ quan ngại về nạn ăn cắp bí mật thương mại, bằng mọi phương cách ở các cấp cao nhất với các quan chức cao cấp của Trung Quốc và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy.”

Trong số các nạn nhân có các hãng General Motors, Ford, DuPont, Dow Chemical, Motorola, Boeing và Cargill.

Tuần trước, Hạ nghị sĩ Dutch Ruppersberger, đại diện phe Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết các công ty Mỹ trong năm 2012 hứng chịu thiệt hại ước tính trên 300 tỷ USD do nạn ăn cắp bí mật thương mại, mà phần lớn trong số đó là do tình báo internet của Trung Quốc.

Giới chuyên gia bảo mật và giới tình báo hoan nghênh chiến lược của Nhà Trắng, nhưng coi đó mới chỉ là bước đầu và cần phải làm nhiều thứ hơn nữa.

Cựu Giám đốc CIA Michael Hayden phân tích: “Đây là chuyện 1 quốc gia tấn công các công ty tư nhân… Điều này chưa từng có tiền lệ.”

Ủng hộ của các giới

Phòng Thương mại Mỹ nhiệt liệt ủng hộ chiến lược của Nhà Trắng. Các hiệp hội công nghiệp khác cũng tỏ ra sốt sắng với nỗ lực trên của chính phủ Mỹ.

Chẳng hạn, Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Liên minh Phần mềm Thương mại (BSA), Robert Holleyman, tuyên bố “mạnh mẽ đồng tình và hoan nghênh việc chính phủ tập trung bài trừ tệ ăn cắp bí mật thương mại đang đe dọa rất nghiêm trọng ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu.”

Trong 1 cuộc phỏng vấn, đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk cho biết vấn nạn ăn cắp bí mật thương mại ở Trung Quốc là nhân tố khiến 1 số công ty Mỹ phải dời hoạt động kinh doanh về Mỹ.

Ông Kirk dẫn lời tâm sự của 1 số công ty cho biết họ đã trao đổi chân thành với phía Trung Quốc, rằng “nếu các anh cứ ăn cắp các công nghệ cốt lõi của chúng tôi thì chúng tôi chỉ còn  nước là làm giàu ở chính quê hương mình” chứ không đầu tư sang Trung Quốc nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ sẵn sàng đáp trả chiến tranh mạng từ phía Trung Quốc
Mỹ sẵn sàng đáp trả chiến tranh mạng từ phía Trung Quốc

(VOV) - Những cáo buộc gần đây của công ty bảo mật Mandiant khiến Mỹ cảnh giác hơn bao giờ hết và có thái độ quyết đoán hơn.

Mỹ sẵn sàng đáp trả chiến tranh mạng từ phía Trung Quốc

Mỹ sẵn sàng đáp trả chiến tranh mạng từ phía Trung Quốc

(VOV) - Những cáo buộc gần đây của công ty bảo mật Mandiant khiến Mỹ cảnh giác hơn bao giờ hết và có thái độ quyết đoán hơn.

Mỹ tố quân đội Trung Quốc ‘nuôi’ ổ tin tặc ở Thượng Hải
Mỹ tố quân đội Trung Quốc ‘nuôi’ ổ tin tặc ở Thượng Hải

Một tòa nhà mang các dấu hiệu của quân đội Trung Quốc bị nghi là trung tâm của đội quân tin tặc nước này.

Mỹ tố quân đội Trung Quốc ‘nuôi’ ổ tin tặc ở Thượng Hải

Mỹ tố quân đội Trung Quốc ‘nuôi’ ổ tin tặc ở Thượng Hải

Một tòa nhà mang các dấu hiệu của quân đội Trung Quốc bị nghi là trung tâm của đội quân tin tặc nước này.

Quân đội Trung Quốc nói cáo buộc tin tặc của Mỹ không chuẩn
Quân đội Trung Quốc nói cáo buộc tin tặc của Mỹ không chuẩn

(VOV) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng báo cáo của công ty bảo mật Mỹ có lỗi về mặt kỹ thuật.

Quân đội Trung Quốc nói cáo buộc tin tặc của Mỹ không chuẩn

Quân đội Trung Quốc nói cáo buộc tin tặc của Mỹ không chuẩn

(VOV) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng báo cáo của công ty bảo mật Mỹ có lỗi về mặt kỹ thuật.