Ông Biden có thể thúc đẩy kế hoạch cứu trợ Covid-19 mà không cần đảng Cộng hòa
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa gửi tín hiệu mạnh mẽ nhất rằng ông sẽ tiếp tục với đề xuất cứu trợ Covid-19 mà không cần sự hỗ trợ của đảng Cộng hòa.
Trong bài phát biểu về thực trạng nền kinh tế Mỹ tại Nhà Trắng ngày 5/2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden đã trích dẫn Báo cáo của Bộ Lao động công bố cùng ngày nhằm thúc đẩy kế hoạch cứu trợ Covid-19. Theo đó, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 49.000 việc làm trong tháng 1 và tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,4 điểm phần trăm, xuống còn 6,3%.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “Tôi sẽ phải hành động nhanh chóng. Tôi muốn làm điều đó với sự hỗ trợ của các thành viên đảng Cộng hòa nhưng họ không sẵn sàng tiến xa như tôi nghĩ về điều chúng ta phải thực hiện. Nếu tôi phải lựa chọn giữa việc tìm kiếm sự giúp đỡ ngay bây giờ cho những người Mỹ đang bị tổn thương nặng nề và bị sa lầy vào một cuộc đàm phán kéo dài, hoặc thỏa hiệp với một dự luật khi đang xảy ra khủng hoảng, đó là một lựa chọn dễ dàng. Tôi sẽ giúp đỡ những người Mỹ đang bị tổn thương."
Tổng thống Biden cùng các quan chức Nhà Trắng khác đã viện dẫn tình trạng tồi tệ của đại dịch Covid-19 và khó khăn kinh tế đang diễn ra để lập luận rằng nước Mỹ có thể phải chịu đựng lâu hơn nếu Quốc hội không hành động, hoặc nhất quyết thông qua một dự luật cứu trợ kinh tế khiêm tốn hơn.
Tổng thống Biden cũng cho rằng Mỹ sẽ không phục hồi đầy đủ việc làm cho đến năm 2025 nếu các nghị sĩ Quốc hội không hành động theo gói cứu trợ mà ông đã đề xuất. Tổng thống Biden đồng thời bác lập luận của các thành viên đảng Cộng hòa, rằng đề xuất 1.900 tỷ USD của Nhà Trắng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chi tiêu của chính phủ liên bang.
Trước đó, vào rạng sáng ngày 5/2 (theo giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ Covid-19 theo đề xuất của Tổng thống Biden. Sau khoảng 15 tiếng tranh luận gay gắt và bỏ phiếu về hàng chục sửa đổi, Thượng viện Mỹ rơi vào bế tắc trong việc thông qua gói cứu trợ Covid-19, với tỷ lệ 50 phiếu thuận và 50 phiếu chống.
Phó Tổng thống Kamala Harris sau đó bỏ phiếu thuận, phá vỡ bế tắc và mang lại chiến thắng cho đảng Dân chủ. Đây là lần đầu tiên Phó Tổng thống Harris sử dụng quyền lực của mình để phá vỡ thế bế tắc tại Thượng viện Mỹ. Với kết quả này, đảng Dân chủ có thể thông qua kế hoạch ngân sách mà không cần ủng hộ từ phía đảng Cộng hòa./.