Ông François Hollande chính thức trở thành Tổng thống Pháp

Cuộc chuyển giao quyền lực chính thức hoàn tất ngày hôm nay khi ông Francois Hollande làm lễ nhậm chức tại Điện Elysee.

Gần 10 ngày sau khi giành chiến thắng lịch sử trước Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande hôm nay (15/5) chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 7 của nền Cộng hòa thứ V nước Pháp.

Buổi lễ nhậm chức của ông Hollande tại điện Elysees bắt đầu vào lúc 10h sáng 15/5 giờ địa phương, tức là 15h giờ Việt Nam. Ông Sarkozy đã đứng chào đón ông Hollande ở chân thảm đỏ dẫn vào điện Elysees rồi có cuộc hội đàm chừng 30 phút trong Văn phòng Tổng thống để bàn thảo và bàn giao cho người kế nhiệm những hồ sơ chiến lược, trong đó có việc chuyển giao nút bấm hạt nhân. Ngay sau đó, ông Sarkozy và phu nhân lên xe ô tô rời điện Elysees, chính thức chấm dứt những ngày tháng trên cương vị người đứng đầu nước Pháp.

Cựu Tổng thống Sarkozy bắt tay chúc mừng tân Tổng thống François Hollande (Ảnh: Tân Hoa xã)
Lễ nhậm chức của ông Hollande diễn ra sau đó trong phòng khánh tiết của điện Elysees. Khác với lễ nhậm chức của ông Nicolas Sarkozy năm 2007, lễ nhậm chức của ông Hollande được tổ chức theo tiêu chí “giản dị” đúng với tinh thần muốn làm một Tổng thống bình dân của ông.

Ông Hollande chỉ mời, với tư cách cá nhân, một vài người cực kỳ thân cận trong chiến dịch tranh cử, những cựu Thủ tướng của đảng Xã hội (PS) như Auroy, Fabius, Jospin, Rocard… và một số học giả đoạt giải Nobel.

Gia đình và con cái của ông Hollande cũng như con của bà Valerie Trierweiller, bạn gái của ông Hollande đều không có mặt. Đó là một cách để ông Hollande khẳng định mình là một hình mẫu Tổng thống khác với ông Nicolas Sarkozy.

Trong bài diễn văn đầu tiên ở cương vị Tổng thống, ông Hollande kêu gọi người dân Pháp đoàn kết, hòa hợp, bỏ qua mọi bất đồng để đưa nước Pháp vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời khẳng định cam kết với những giá trị của nền cộng hòa.

Sau đó, như truyền thống, ông Hollande đã đến đặt hoa tại mộ chiến sỹ vô danh dưới chân Khải hoàn môn trên đại lộ Champs Elysees. Tiếp đó, tân Tổng thống Pháp viếng thăm tượng của Jules Ferry, người được coi là cha đẻ hệ thống trường học của nền cộng hòa Pháp, và đến tưởng niệm nhà bác học Marie Curie, người từng đoạt 2 giải Nobel vật lý và hóa học, tại Học viện Curie. Bằng hai hành động này, ông Hollande cho thấy giáo dục sẽ là một mảng chính sách quan trọng được ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông.

Vợ chồng cựu Tổng thống Sarkozy rời khỏi Điện Elysees (Ảnh: Tân Hoa xã)
Tất nhiên, không phải là không có những tranh cãi, đặc biệt là quanh quyết định của ông Hollande tưởng niệm ông Jules Ferry. Nhân vật nổi bật của nền chính trị Pháp cuối thế kỷ 19 này đã có công khai sinh hệ thống trường học “miễn phí, bắt buộc và phi tôn giáo” cho nước Pháp nhưng cũng lại là một người theo chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc với phát ngôn nổi tiếng là “những nền văn minh cao cấp hơn có nghĩa vụ phải đi khai hóa văn minh cho những nền văn minh cấp thấp”.

Cũng trong buổi lễ nhậm chức, vị Tổng thống mới của Pháp đã chỉ định ông Jean Marc Ayrault, thị trưởng thành phố Nantes và là đồng minh chính trị lâu năm của ông làm Thủ tướng. Chính phủ mới của Pháp sẽ chính thức ra mắt vào ngày 17/5, còn ngay trong tối nay, 15/5, ông Hollande đã phải lên đường công du. Ông sẽ lên đường sang Đức hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel để bàn định những thay đổi đầu tiên trong kế hoạch giải cứu châu Âu đang ngập trong khủng hoảng vì bế tắc chính trị ở Hy Lạp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên