Ông Kim Jong Un: Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào Mỹ
VOV.VN - Tại Thượng đỉnh Nga-Triều, ông Kim Jong Un cho biết, hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Mỹ.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA vừa cho biết, trong cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin tại thành phố Vlavostok của Nga hôm 25/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Mỹ trong tương lai.
Lãnh đạo Triều Tiên trong cuộc gặp Tổng thống Nga hôm 25/4. Ảnh: AFP. |
Theo Reuters, tuyên bố của ông Kim Jong Un là nhằm gây sức ép với Mỹ, khiến Washington linh hoạt hơn trong việc chấp nhận yêu cầu của Bình Nhưỡng về nới lỏng các biện pháp trừng phạt, không còn cứng rắn như lập trường mà nước này thể hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2/2019. KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un nêu rõ: “Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực đang bế tắc và đã tới một điểm quan trọng, hoàn toàn có thể quay trở lại trạng thái ban đầu bởi Mỹ đã thể hiện lập trường đơn phương cứng rắn và thiếu niềm tin tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2. Triều Tiên sẽ chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra”.
Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết ông sẽ đợi đến cuối năm nay để Mỹ "thay đổi thái độ". Cũng theo KCNA, ông Kim Jong Un đã mời ông Putin thăm Triều Tiên trong thời gian thích hợp và người đứng đầu điện Kremlin đã nhận lời.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận gì về Thượng đỉnh Nga-Triều, nhưng đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William Hagerty nhấn mạnh việc ông Kim Jong Un liên lạc với Nga và Trung Quốc có thể là một phần trong nỗ lực thuyết phục nới lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.
"Cuộc gặp của ông Kim Jong Un với ông Vladimir Putin cho thấy lệnh trừng phạt đang phát huy tác dụng gây sức ép kinh tế tối đa đối với Triều Tiên. Những gì chúng ta đang chứng kiến là một nỗ lực để giải quyết vấn đề đó. Nhưng có một cách đơn giản để giải quyết vấn đề, đó là phi hạt nhân hóa", tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ nêu rõ./.
Thượng đỉnh Nga-Triều: “Thanh kiếm biểu tượng” phá vỡ thế bế tắc?