Hai phong trào đối kháng tại Palestine "bắt tay" nhau chống Israel

VOV.VN - Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, hai phong trào đối kháng tại Palestine, Fatah và Hamas cùng tuyên bố khẳng định “tình đoàn kết”.

Có thể nói, tham vọng “thôn tính” Bờ Tây của Israel đã đặt chính quyền Palestine trước thách thức chưa từng có. Nếu muốn hiện thức hóa giấc mơ về một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền, các phong trào đối địch tại Palestine không còn lựa chọn nào khác là phải “bắt tay” với nhau.

Khu định cư Givat Zeev của Israel ở gần TP.Ramallah, Bờ Tây. Ảnh: AFP.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến chung hiếm hoi, Phong trào Fatah theo đường lối ôn hòa, thế tục kiểm soát Bờ Tây và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas kiểm soát dải Gaza hôm qua khẳng định mong muốn mở ra “một trang mới”. Theo Tổng thư ký Fatah, ông Jibril Rajoub, Fatah và Hamas muốn “cất chung một tiếng nói” và sẽ triển khai mọi cơ chế để đảm bảo sự đoàn kết quốc gia chống lại kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Israel.

Trong khi đó phát biểu từ Beyrouth, Lebanon, ông Saleh al-Arouri, một quan chức cấp cao Hamas khẳng định, cuộc họp báo chung này là một cơ hội để bắt đầu một giai đoạn mới, để phục vụ nhân dân trong những thời điểm khó khăn như hiện nay.

Fatah và Hamas đã trải qua lịch sử hàng thập niên đối đầu, dẫn tới sự phân chia quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đất nước. Nhiều nỗ lực hòa giải đã được triển khai song đều thất bại. Tuy nhiên, tham vọng của Israel sáp nhập các khu định cư và thung lũng Jordan ở Bờ Tây, vùng lãnh thổ của Palestine mà Israel chiếm đóng từ năm 1967, đã buộc Hamas và Fatah phải phá bỏ những rào cản.

Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh nhấn mạnh:“Mục tiêu trước mắt của Palestine là không cho phép Israel sáp nhập lãnh thổ. Tất cả những nỗ lực của chúng tôi đều tập trung vào điều này. Israel không nên tiếp tục vượt lên trên luật pháp quốc tế và hi vọng họ sẽ cảm nhận được sức nóng của áp lực quốc tế”.

Việc sáp nhập Bờ Tây theo khuôn khổ kế hoạch hòa bình thế kỷ cho Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chính quyền Palestine bác bỏ hoàn toàn ngay khi được công bố hồi đầu năm nay. Kế hoạch cũng nhắc tới việc thành lập một Nhà nước Palestine phi quân sự, song lại trên một vùng lãnh thổ rất hạn chế với khu Bờ Tây và dải Gaza. Về mặt  lý thuyết, Israel có thể bắt đầu khởi động kế hoạch ngay từ ngày 1/7 vừa qua. Tuy nhiên, tới nay, Israel dường như vẫn chưa nhận được “đèn xanh” của Mỹ.

Theo cựu đại sứ Mỹ tại Israel Daniel Shapiro, một phần các cuộc thảo luận với Mỹ là liên quan tới việc làm thế nào để "xoa dịu" Palestine. Cái khó đến từ chính tham vọng “thôn tính lãnh thổ” của ông Netanyahu. Nhà lãnh đạo Israel luôn muốn một sự sáp nhập lãnh thổ rộng hơn, nhanh chóng hơn, càng ít phải phối hợp với các tác nhân liên quan khác càng tốt và hơn hết là không muốn phải trao cho người Palestine bất kỳ lợi ích nào.

Câu hỏi đặt ra là liệu Thủ tướng Netanyahu sẽ lựa chọn một cách tiếp cận tối đa, với việc sáp nhập thung lũng Jordan và hàng trăm khu định cư hay một cách tiếp cận tối thiểu chỉ hướng tới một số khu định cư.

Ông Netanyahu cũng có thể trì hoãn kế hoạch này, bởi hiểu rằng ông không có nhiều thời gian. Một chiến thắng bầu cử vào tháng 11/2020 của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn phản đối mạnh mẽ việc sáp nhập, có thể khiến nước này mất đi sự ủng hộ của đồng minh quan trọng Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên