OPEC và Nga bất đồng về cắt giảm sản lượng dầu mỏ
VOV.VN - Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, OPEC và OPEC+ (trong đó có Nga) đã không nhất trí về kế hoạch giảm sản lượng khai thác.
Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài khối, còn gọi là OPEC cộng (OPEC+), đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ sau khi Nga từ chối siết chặt nguồn cung để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Và OPEC đã đáp trả bằng cách loại bỏ mọi giới hạn sản xuất của chính họ. Động thái của hai bên, chính thức khép lại tuần trăng mật kéo dài 3 năm giữa Nga và OPEC.
Một cơ sở khai thác dầu tại Irkutsk, Nga. Ảnh: Reuters. |
Hôm qua (6/3), sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, OPEC và OPEC+ (trong đó có Nga) đã không nhất trí về kế hoạch giảm sản lượng khai thác. Phát biểu với báo giới, ông cho biết từ ngày 1/4 tới, sẽ không có nước nào trong OPEC hay OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng.
Trong khi đó, đa số bộ trưởng các nước khác, trong đó có Saudi Arabia, đã rời cuộc họp diễn ra tại trụ sở của OPEC tại Vienna (Áo) mà không đưa ra bình luận nào.
Tổng Thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo cho biết, các nước đã quyết định hoãn đưa ra quyết định cuối cùng của cuộc họp. Ông bày tỏ lạc quan rằng, OPEC và các nước ngoài khối sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn: "Ông Alexander Novak và nhóm làm việc của ông ấy đã cam kết thực hiện Tuyên bố hợp tác. Trong quá trình làm việc, nhóm của ông Novak đóng vai trò tin cậy và họ muốn thực hiện tuyên bố hợp tác. Tuy nhiên, có vài vấn đề nan giải, họ có một số vấn đề riêng của mình không giống với một số quốc gia chúng tôi. Tôi vẫn tin rằng họ sẽ trở lại tuyên bố này”.
Thất bại trong các cuộc đàm phán có thể ảnh hưởng sâu rộng hơn khi lãnh đạo OPEC, Saudi Arabia và Nga đã sử dụng các cuộc đàm phán dầu mỏ để xây dựng mối quan hệ đối tác chính trị rộng lớn hơn trong vài năm qua. Ông Bob McNally, người sáng lập của Tập đoàn Năng lượng Rapidan cho rằng, việcNga từ chối hỗ trợ cắt giảm nguồn cung khẩn cấp sẽ làm suy giảm nhiều đối với năng lực của OPEC+ trong việc ổn định giá dầu. Kết quả sẽ là biến động giá dầu cao hơn và biến động địa chính trị.
Các cuộc thảo luận đã sụp đổ sau khi OPEC đưa ra tối hậu thư Nga vào hôm qua đề nghị một lựa chọn chấp nhận một thỏa thuận với mức cắt giảm lớn hơn nhiều so với dự kiến hoặc không có thỏa thuận nào.
Trước đó, Saudi Arabia nước xuất khầu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, hy vọng các nhà sản xuất trong và ngoài khối, trong đó có Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu đến 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý 2/2020, đồng thời muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến hết hạn trong tháng 3 này, cho đến cuối năm 2020.
Tuy nhiên, đề xuất của Saudi Arabia và các nước thành viên OPEC vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Nga. Cho tới nay, Nga chỉ để ngỏ khả năng sẽ ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận trên song không phải là việc cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn.
Giá dầu hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2017 do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây đình trệ hoạt động sản xuất, đi lại trên toàn thế giới. Sau thông tin về kết quả cuộc họp tại Viên, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 9% xuống còn 45,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 10,1% xuống mức 41,28 USD/thùng.
Các thành viên OPEC nhất trí cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ
OPEC + có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu do virus corona
Vì dịch corona, OPEC+ cân nhắc cắt giảm thêm 500.000 thùng dầu/ngày