Phản ứng các bên khi Mỹ phủ quyết tư cách thành viên của Palestine tại LHQ
VOV.VN - Trong cuộc bỏ phiếu ngày 18/4, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an ngăn chặn nghị quyết khuyến nghị Đại hội đồng công nhận Palestine là thành viên Liên Hợp Quốc chính thức. Bước đi này của Mỹ ngay lập tức vấp phải phản ứng của các bên.
Nghị quyết nhận được 12 trên tổng số 15 phiếu tại Hội đồng Bảo an, Anh cùng Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng nhưng không thể vượt qua Mỹ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngay lập tức lên án việc Mỹ phủ quyết là “không công bằng, không chính đáng” và điều này thách thức ý chí của cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ tư cách thành viên đầy đủ của Palestine. Phong trào Hồi giáo Hamas cũng lên án lập trường của Mỹ, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Palestine và quyền hợp pháp được quyết định vận mệnh của mình".
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, các đại diện thường trực của Nga và Pháp tại Liên Hợp Quốc đều bày tỏ quan điểm cho rằng:
“Việc sử dụng quyền phủ quyết của phái đoàn Mỹ ngày hôm nay là một nỗ lực vô ích nhằm ngăn chặn bước tiến không thể lay chuyển của lịch sử. Với kết quả bỏ phiếu này, Mỹ có thể tự thấy mình gần như bị cô lập hoàn toàn, chính hành động của họ đã tự nói lên điều đó”.
“Chúng tôi ủng hộ việc nâng cao vị thế của Palestine tại Liên Hợp Quốc và việc kết nạp nước này với tư cách thành viên chính thức. Sự thừa nhận này sẽ cho phép nối lại một quá trình mang tính quyết định và không thể đảo ngược nhằm thực hiện giải pháp hai nhà nước và củng cố chính quyền Palestine tại các vùng lãnh thổ của Palestine ở Gaza và Bờ Tây”.
Palestine hiện là “quốc gia quan sát viên thường trực” tại Liên Hợp Quốc, có thể tham gia các cuộc họp nhưng không có quyền biểu quyết. Đây là lần thứ 5 Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát ở Dải Gaza.
Trả lời báo giới ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết yêu cầu tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Yildiz khẳng định:
“Cần đạt được một lệnh ngừng bắn ở Gaza càng sớm càng tốt. Palestine nên trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc và các cuộc đàm phán hướng tới giải pháp hai nhà nước phải được bắt đầu với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế".
Quan điểm này cũng được Trung Quốc ủng hộ trước đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh: "Trung Quốc ủng hộ Hội đồng Bảo an thảo luận và chấp nhận Palestine là thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế rộng rãi hơn, có thẩm quyền hơn và hiệu quả hơn để vạch ra thời gian và lộ trình cho giải pháp hai nhà nước”.
Giải thích cho quyết định của Mỹ, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood cho rằng, Mỹ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước. Cuộc bỏ phiếu lần này không phản ánh sự phản đối việc thành lập nhà nước của Palestine mà thay vào đó khẳng định rằng việc công nhận phải đến từ đàm phán trực tiếp giữa các bên. Ở lập trường ủng hộ Mỹ, Đại sứ Israel Gilad Erdan thì chỉ trích dự thảo nghị quyết, cho rằng nghị quyết này “không gắn với thực tế” và sẽ “không có tác dụng tích cực đối với bất kỳ bên nào”.
Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra khi xung đột leo thang giữa Israel và Hamas ở Gaza bước sang tháng thứ 7. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong phát biểu tại Hội đồng Bảo an vừa lưu ý rằng, việc không sớm đạt được tiến bộ hướng tới giải pháp hai nhà nước sẽ chỉ làm tăng sự biến động và rủi ro cho hàng trăm triệu người trên khắp khu vực - những người sẽ tiếp tục sống dưới mối đe dọa bạo lực thường trực.