Pháp chi 45 tỷ euro đối phó khủng hoảng năng lượng

VOV.VN - Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne ngày 14/9 đã công bố chính sách năng lượng mới với một loạt biện pháp tiêu tốn khoảng 45 tỷ euro với ngân sách nước này trong năm 2023 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Biện pháp trọng tâm trong chính sách năng lượng của chính phủ Pháp là gia hạn lá chắn thuế quan năng lượng đến năm 2023. Thủ tướng Pháp bà Élisabeth Borne nhấn mạnh Pháp là quốc gia bảo vệ các hộ gia đình tốt nhất tại châu Âu trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. 

Các số liệu thống kê cho thấy, hoá đơn khí đốt trung bình tại Pháp năm 2022 dao động từ 1.530 - 1.730 euro mỗi hộ gia đình và thấp hơn từ 3-4 lần so với các nước láng giềng. Nếu không duy trì lá chắn thuế quan, giá năng lượng tại Pháp sẽ ngay lập tức tăng gấp 2,2 lần vào đầu năm 2023. 

Bà Élisabeth Borne cũng khẳng định, giá năng lượng sẽ được giới hạn ở mức tăng 15% đối với khí đốt từ tháng 1/2023 và đối với điện là từ tháng 2/2023. Điều này có nghĩa là kể từ đầu năm sau, mỗi hộ gia đình tại Pháp hàng tháng sẽ phải thêm 25 euro nếu sưởi ấm bằng khí đốt và 20 euro nếu sưởi ấm bằng điện. Đây là chi phí thấp hơn rất nhiều so với con số tăng dự khiến lên đến 200 euro/tháng nếu không có sự can thiệp từ nhà nước. 

Biện pháp quan trọng thứ hai là hỗ trợ 12 triệu hộ gia đình thu nhập thấp một khoản tiền từ 100 – 200 euro để chi trả hoá đơn năng lượng. Biện pháp này sẽ khiến ngân sách của Pháp năm 2022 tiêu tốn 1,8 tỷ euro.

Trọng tâm tiếp theo trong chính sách năng lượng của Pháp là thúc đẩy bốn biện pháp ở cấp độ châu Âu. Đầu tiên, Pháp ủng hộ việc thiết lập trần giá khí đốt để ngăn giá khí đốt ở châu Âu cao hơn so với các nơi khác trên thế giới. Mức trần giá điện cũng sẽ được hạ xuống, đồng thời giá khí đốt và giá điện cũng sẽ được tách riêng. Cuối cùng, châu Âu cần xem xét đánh thuế lợi nhận đối với các tập đoàn năng lượng và có chế tài ngăn chặn tình trạng đầu cơ.

Biện pháp thứ 4 là Pháp sẽ tiếp tục duy trì chính sách thuế có lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PME) có doanh thu dưới 1 triệu euro hoặc các doanh nghiệp PME có quy mô lớn hơn nhưng lợi nhuận suy giảm do hoá đơn năng lượng chiếm ít nhất 3% doanh thu. Đối với các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, Pháp sẽ phối hợp với Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất mức hỗ trợ có thể lên đến 50 triệu.

Cuối cùng, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết sẽ phát động chiến dịch tuyên tuyền tiết kiệm năng lượng vào ngày 10/10 tới để hướng tới mục tiêu giảm 10% mức năng lượng tiêu thụ so với năm 2021 và tránh các kịch bản xấu nhất trong mùa Đông tới.

“Việc giá khí đốt và giá điện tăng mạnh tại châu Âu đang khiến người dân Pháp ngày càng lo lắng và đè nặng lên nền kinh tế. Nếu mỗi người dân đều có ý thức trách nhiệm và tiết kiệm năng lượng, việc cắt điện sẽ không xảy ra. Chúng ta cần giảm nhiệt độ sưởi và tránh mọi hình thức lãnh phí năng lượng để vượt qua mùa Đông tới”, bà Borne nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên