Pháp chi bao nhiêu tiền cho G7?
VOV.VN - Số tiền nước Pháp bỏ ra thấp hơn rất nhiều so với chi phí mà các nước Italia và Canada phải bỏ ra để tổ chức hai hội nghị Thượng đỉnh gần đây.
Nước Pháp được cho là chỉ chi ra số tiền bằng khoảng 1/10 so với Canada năm 2018 để tổ chức Thượng đỉnh G7 năm 2019, dù con số này vẫn gây nhiều tranh cãi.
Chi phí ít hơn 8 năm trước
Thượng đỉnh G7 năm nay tại Biarritz được nước Pháp chủ nhà lấy chủ đề chính là “Đấu tranh chống bất bình đẳng”, với một trong các mục tiêu chính được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giúp các nguồn của cải trong xã hội được phân bố một cách công bằng hơn.
Tuy nhiên, một trong các chủ đề được các tổ chức dân sự Pháp “soi” nhiều nhất không phải là làm cách nào G7 đạt được các mục tiêu đó, mà là nước Pháp đã chi bao nhiêu tiền cho G7 và liệu có sự lãng phí nào không?
Trung tâm báo chí Thượng đỉnh G7. |
Con số chính thức được chính phủ Pháp công bố là 36,4 triệu Euro. Đó cũng là con số chính thức được Quốc hội Pháp bỏ phiếu thông qua. Để so sánh, số tiền này thấp hơn rất nhiều so với chi phí mà các nước Italia và Canada phải bỏ ra để tổ chức hai hội nghị Thượng đỉnh gần đây.
Năm 2018 khi G7 diễn ra ở Québec, chính phủ Canada đã chi đến hơn 270 triệu Euro. Số tiền tương đương cũng được chính phủ Italia chi ra để tổ chức G7 năm 2017 ở thành phố nghỉ mát Taormina trên đảo Sicile.
Tuy nhiên, dù đã ít hơn rất nhiều so với các kỳ G7 trước, con số này vẫn gây tranh cãi. Chính phủ Pháp không liệt kê cụ thể khoản chi cho từng hạng mục và chi phí an ninh được cho là chưa được tính.
Chi phí này thông thường chiếm đến 70% tổng kinh phí tổ chức G7, như trường hợp tại Canada và tại G7 năm nay ở Biarritz, chi phí cho an ninh của Pháp khó có thể thấp hơn Canada khi Bộ Nội vụ Pháp đã huy động tới 13.200 cảnh sát, hiến binh, lực lượng đặc nhiệm. Ngoài ra, quân đội Pháp cũng đã phải bố trí nhiều đơn vị phòng không, không quân và lực lượng hải quân để kiểm soát chặt chẽ không phận và bờ biển.
Vì vậy, chi phí thực sự cho G7 tại Pháp có thể lớn hơn nhiều con số 36,4 triệu euro, nếu biết rằng tại kỳ G7 tổ chức 8 năm trước tại Pháp (năm 2011, tại thành phố Deauville), Pháp cũng đã chi tới 40 triệu Euro.
“Phong bì” cho nhà báo
Để tiết kiệm chi phí tổ chức G7 năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi sự tài trợ của nhiều công ty, tập đoàn lớn của Pháp. Tuy nhiên, nhằm tránh các tranh cãi cũng như để quảng bá cho các doanh nghiệp Pháp, ông Macron muốn sự tài trợ này thể hiện bằng chính các sản phẩm của các công ty, thay vì bằng tiền.
Thẻ dành cho phóng viên. |
Một số tập đoàn lớn của Pháp như Orange, Engie, L’Oreal, Suez hay Edenred đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông Macron. Tập đoàn viễn thông Orange tài trợ các thiết bị viễn thông cho trung tâm báo chí, Engie tài trợ các xe bus chạy 100% bằng năng lượng mặt trời để vận chuyển các phái đoàn và đội ngũ báo chí.
Nhiều xe đạp điện cũng được đặt miễn phí tại nhiều địa điểm trung tâm thành phố để các nhà báo và đại biểu tham dự G7 tuỳ ý sử dụng. Đáng chú ý, và cũng gây ra nhiều tranh cãi, là việc tập đoàn Edenred tài trợ 2000 thẻ thanh toán trả trước trị giá 75 Euro/thẻ cho các nhà báo có thẻ tác nghiệp tại G7 để sử dụng tại hơn 600 nhà hàng ở Biarritz.
Nhiều xe đạp điện được đặt miễn phí tại nhiều địa điểm trung tâm thành phố |
Trong khi báo chí quốc tế hoan nghênh hình thức tài trợ này thì nhiều tờ báo Pháp tuyên bố họ không muốn các phóng viên của mình sử dụng tài trợ từ một công ty tư nhân. Hãng thông tấn Pháp, AFP đã khuyến cáo các phóng viên của mình không sử dụng thẻ này.
Chỉ có một sự tài trợ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ báo chí và các đoàn tham dự, đó là các công ty nhỏ của vùng Basque nước Pháp mang các sản vật địa phương đến trưng bày và chiêu đãi miễn phí như một hình thức quảng bá cho du lịch địa phương./.
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G7: Từ Amazon tới thương chiến Mỹ-Trung
Vì sao Tổng thống Putin không “mặn mà” quay lại G7?