Pháp - Đức thúc đẩy nối lại đối thoại Bộ Tứ Normandie
VOV.VN - Pháp sẽ cùng với Đức khởi động lại đàm phán theo khuôn khổ định dạng Normandie để hạ nhiệt căng thẳng và tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine. Đây là tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi tiếp đón tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Paris ngày hôm qua (10/12).
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với tân Thủ tướng Đức ông Olaf Scholz tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Đức và Pháp ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Hai bên thống nhất kêu gọi nối lại đàm phán định dạng Normandie gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine để hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới Ukraine.
Ông Emmanuel Macron cho biết sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần tới để thúc đẩy vấn đề này. Cả hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng Đối tác phương Đông dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tuần tới tại Brussels, Vương quốc Bỉ.
Người đứng đầu nước Pháp cũng đánh giá cao việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham vấn các đồng minh châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức và Italia cả trước và sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo Tổng thống Pháp, tình hình đã tạm thời hạ nhiệt nhưng việc Nga duy trì một số lượng lớn quân đội sát biên giới với Ukraine vẫn đặt ra những nguy cơ. Ông Macron nhấn mạnh đối thoại giữa Nga và Mỹ là cần thiết nhưng chưa thể thay thế định dạng Normandie:
“Định dạng Normandie vẫn đảm bảo sự hiệu quả. Tất cả những ý tưởng khác chỉ mang tính hỗ trợ. Tất cả đều thể hiện ý chí muốn làm giảm căng thẳng, ổn định tình hình khu vực cũng như quyết tâm của châu Âu trong việc bảo vệ đường biên giới chung, tất nhiên là với cả các nước đối tác”
Một ngày trước chuyến thăm của ông Olaf Scholz, Ngoại trưởng Đức bà Annalena Baerbock cũng đã tới Pháp gặp người đồng cấp Pháp ông Jean Yves le Drian. Hai bên thống nhất khẳng định, các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine sẽ diễn ra trong khuôn khổ định dạng Normandie và trên cơ sở Thoả thuận Minsk ký kết năm 2015.
Ngoài vấn đề Ukraine, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cũng đề cập đến một số chủ đề khác như phục hồi kinh tế châu Âu sau đại dịch, tăng cường vai trò và sức mạnh của châu Âu trên thế giới, quan hệ với châu Phi, Trung Quốc…/.