Pháp rút khỏi một chiến dịch của NATO vì mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ

VOV.VN - Ngày 1/7, Pháp đã rút khỏi một chiến dịch giám sát hàng hải của NATO sau khi các mâu thuẫn gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ không được giải quyết.

Trước đó, ngày 10/6 vừa qua, một tàu chiến của Hải quân Pháp tham gia các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lọt vào tầm ngắm của tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Pháp trong một chiến dịch tuần tra ở Địa Trung Hải. Ảnh: Le Monde

Sự việc xảy ra sau khi tàu chiến Pháp nỗ lực theo đuổi một tàu chở hàng của Thổ Nhĩ Kỳ bị tình nghi vận chuyển vũ khí tới Lybia, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc nhưng được 3 tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống. Đây là sự cố mà nước Pháp coi là hành động vô cùng hung hãn, đặc biệt giữa các đồng minh trong NATO. Kể từ đó, căng thẳng giữa hai bên liên tục leo thang.

Ngày 17/6, Bộ trưởng Quân đội Pháp, bà Florence Parly, đã đưa sự cố này ra bàn thảo tại hội nghị của NATO, với sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu. Tổng thư ký NATO đã cho mở một cuộc điều tra về sự cố nói trên nhưng cuộc điều tra này không thể đưa đến kết luận rõ ràng về trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ với lý do thiếu thời gian và phương tiện điều tra.

Đến ngày 1/7, Bộ Quân đội Pháp thông báo, lực lượng của nước này đã tạm thời rút khỏi một chiến dịch giám sát hàng hải chung của NATO, đang triển khai tại vùng biển Địa Trung Hải.

Bộ Quân đội Pháp kịch liệt lên án các hành vi vi phạm của Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định đây là một động thái chính trị rõ ràng nhằm làm sáng tỏ những điều còn mơ hồ trong chiến dịch chống buôn lậu vũ khí nhưng lại được thực hiện với những kẻ buôn lậu. 

Cùng với tuyên bố này, Bộ Quân đội Pháp dẫn chứng hàng loạt các sự kiện tương tự mà Pháp cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, liên tục vận chuyển trái phép vũ khí tới Lybia. Ngày 29/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm lịch sử và phạm tội tại Libya.

Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các phát ngôn từ phía Pháp mang tính phá hoại. Hôm 30/6, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Pháp Ismail Hakki Musa, trong phiên điều trần tại Ủy ban các vấn đề đối ngoại, Quốc phòng và các lực lượng quân đội tại Thượng viện Pháp đã cảnh báo, nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn NATO.

Thiếu Thổ Nhĩ Kỳ, NATO sẽ không thể xử lý các điểm nóng như Iran, Iraq, Syria, Libya, Ai Cập… Các phát ngôn này đã sau đó vấp phải nhiều chỉ trích của Bộ Quân đội Pháp.

Các mâu thuẫn này giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chưa thể được giải quyết nếu như chưa có lập trường chính thức của NATO. Trong khi, tổ chức này vẫn chọn cách giữ im lặng trong thời gian qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên