Pháp tiếp nhận nhiều đơn xin tị nạn nhất châu Âu
VOV.VN - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp, tính đến ngày 20/10 vừa qua, Pháp đã trở thành quốc gia tiếp nhận đơn xin tị nạn nhiều nhất tại châu Âu.
Ngày 21/11, sau khi kết thúc buổi gặp với Bộ trưởng Nội vụ Gruzia để bàn về hợp tác trong vấn đề di trú, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, từ ngày 20/10 vừa qua, nước Pháp đã vượt qua Đức, trở thành quốc gia tiếp nhận nhiều đơn xin tị nạn nhất trong số các nước châu Âu. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư nổ ra từ năm 2015, nước Pháp vượt qua nước Đức về số lượng đơn xin tị nạn.
Ảnh minh họa. |
Theo thống kê của Văn phòng bảo vệ những người tị nạn và người không quốc tịch, trực thuộc Bộ Nội vụ Pháp, vào thời điểm cuộc khủng hoảng người di cư lên đến đỉnh điểm, nước Pháp tiếp nhập khoảng hơn 80.000 đơn xin tị nạn mỗi năm, chỉ bằng 1/10 số đơn xin tỵ nạn vào nước Đức (khoảng 890.000). Tuy nhiên, đến ngày 17/11 vừa qua, theo con số của Bộ Nội vụ Pháp, nước Pháp đã tiếp nhận 120.900 đơn xin tị nạn, nhiều hơn 1.000 đơn so với tại Đức (119.900 đơn). Con số này có xu hướng tăng khoảng 10-15% mỗi năm.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng khẳng định, đây là điều bất thường do dòng người di cư vào châu Âu đang có khuynh hướng giảm trong thời gian qua, nước Pháp sẽ tìm ra các giải pháp cho tình trạng này.
Lý giải nguyên nhân hiện tượng này, ông Castaner cho rằng, rất có thể sau khi không được chấp thuận đơn xin tị nạn ở các nước châu Âu khác, những người di cư đã quay trở lại xin tị nạn tại nước Pháp. Chính vì lý do này mà Bộ Nội vụ Pháp sẽ làm việc với các nước châu Âu khác nhằm cải cách chính sách tỵ nạn trong phạm vi châu Âu và cải cách không gian Schengen.
Cách đây ít lâu, nhằm đối phó với tình trạng này, Chính phủ Pháp cũng đã công bố 20 biện pháp, siết chặt chính sách đối với người di cư, đặc biệt những người đến Pháp vì động cơ kinh tế. Nổi bật trong số này là kế hoạch áp đặt một hạn mức (con số) cụ thể trong tiếp nhận người di cư đến Pháp vì lý do kinh tế, siết chặt chế độ phúc lợi xã hội đối với người nhập cư hay tăng cường công tác quản lý nhằm đảm bảo an ninh từ dòng người di cư./.
Người tị nạn Syria khát vọng trở về, hối tiếc đã biểu tình trước đây