Phe đối lập lại làm lu mờ triển vọng hòa bình Syria
VOV.VN - Với cảnh báo mới nhất của lực lượng đối lập, kể cả khi Nga và Mỹ đồng lòng thì hòa bình vẫn chưa thể trở lại trên đất nước Syria.
Lực lượng đối lập chính ở Syria ngày 7/9 công bố một lộ trình chuyển giao chính trị và ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua. Tuyên bố có thể khiến những nỗ lực tìm kiếm hòa bình mấy tuần qua của Mỹ và Nga “ đổ sông đổ bể”. Nhóm này cho biết sẽ bác bỏ thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Mỹ nếu giải pháp đó khác biệt với kế hoạch của Nhóm.
Đất nước Syria bị tàn phá nặng nề vì nội chiến. (Ảnh: Reuters)
Lộ trình hòa bình của Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho liên minh gồm nhiều nhóm đối lập tại Syria nêu rõ, tiến trình đàm phán về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp sẽ được khởi động và kéo dài 6 tháng, sau đó Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng Nội các đương nhiệm phải từ chức.
Chính phủ chuyển tiếp gồm đại diện phe đối lập, Chính phủ và tổ chức dân sự sẽ điều hành đất nước trong 18 tháng trước khi tiến hành tổng tuyển cử.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng, lộ trình này có thể giúp tái khởi động các cuộc đối thoại hòa bình đang bị đình trệ. Còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận định khá lạc quan về kế hoạch này: “6 tháng hòa giải sẽ chứng kiến các hoạt động ngừng bắn chính thức, sau đó Tổng thống Assad sẽ không giữ trách nhiệm kiểm soát chính phủ và quân đội.
Tiếp theo đó là các cuộc bầu cử. Đây là một quá trình dài đòi hỏi sự quyết tâm và ý nguyện chính trị . Tuy nhiên đó là cách duy nhất có thể thực hiện được”.
Tuy nhiên, Lộ trình hòa bình của lực lượng đối lập tại Syria ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Chính phủ Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad khẳng định, Tổng thống Assad sẽ không từ chức và những yêu cầu buộc một nhà lãnh đạo được dân bầu phải từ chức là điều không thể chấp nhận được.
Bộ Ngoại giao Syria hôm nay (8/9) cũng ra tuyên bố chỉ trích sự ủng hộ của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đối với lộ trình hòa bình của nhóm đối lập, cho rằng ông này không hiểu hết về tình hình thực tế đang diễn ra tại Syria.
Trong một cảnh báo gửi tới Nga và Mỹ về việc hai nước này sẽ không thể tự định đoạt được số phận của người dân Syria, Ủy ban đàm phán cấp cao cũng khẳng định sẽ bác bỏ mọi thỏa thuận giữa Nga và Mỹ liên quan tiến trình giải quyết xung đột ở Syria, nếu giải pháp đó khác biệt với kế hoạch của nhóm.
Hiện có nhiều lo ngại từ lực lượng đối lập ở Syria cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng tìm kiếm một “di sản” về Syria nên sẽ “vội vã” tiến đến một thỏa thuận với Nga có lợi cho Chính phủ Syria.
Cảnh báo này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực tìm kiếm hòa bình Syria của Nga và Mỹ nhiều tuần qua. Cho đến nay thỏa thuận về Syria giữa Nga và Mỹ vẫn chưa thể được thông qua sau rất nhiều cuộc tiếp xúc song phương.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, hai bên vẫn đang bị chia rẽ về một giải pháp cho Syria.
“Ngoại trưởng Mỹ vẫn cam kết tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn tại để đạt được một thỏa thuận về Syria, đảm bảo một lệnh ngừng bắn lâu dài, tiếp cận hỗ trợ nhân đạo và nối lại các cuộc đàm phán tại Geneva. Chúng tôi hy vọng về điều đó, nhưng Mỹ sẽ không nhất trí một giải pháp mà không đáp ứng được các mục tiêu quan trọng của chúng tôi”, ông Toner nói.
Đứng về phía các bên của cuộc nội chiến Syria, sự hợp tác Nga và Mỹ có thể là chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột. Tuy nhiên, với cảnh báo của lực lượng đối lập Syria thì thậm chí kể cả khi Nga và Mỹ đồng lòng thì hòa bình có thể vẫn chưa đến với người dân quốc gia Trung Đông này./.