Phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên–Nỗ lực không của riêng ai
VOV.VN - Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ cũng như chủ động tích cực trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Tuyên bố này của giới chức Hàn Quốc phần nào cho thấy, giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên là vấn đề phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan, chứ không chỉ giữa hai miền Triều Tiên.
Trong buổi lễ khai mạc Olympic PyeongChang, Phó Tổng thống Mỹ Pence đã tỏ thái độ dửng dưng với sự hiện diện của lãnh đạo Quốc hội Triều Tiên cũng như đặc phái viên của ông Kim Jong-un. Ảnh: Time magazine.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/2, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-Hyun nhấn mạnh: “Hàn Quốc vẫn đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên một cách hòa bình. Chuyến thăm của phái đoàn Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự thế vận hội Olimpic cho thấy, Triều Tiên sẵn sang cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên”.
Ông Baik Tae-Hyun cũng khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng, động thái của Triều Tiên cho thấy, Triều Tiên sẽ có những hành động mạnh mẽ chưa có tiền lệ nhằm cải thiện quan hệ liên Triều trong trường hợp cần thiết”.
Trước đó, ít giờ, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trong bài phát biểu trước các đại diện ngoại giao mới bổ nhiệm cũng đã cam kết theo đuổi chính sách ngoại giao “tích cực” và “chủ động” với Triều Tiên sau Olympic Mùa Đông Pyeongchang 2018.
Tuyên bố trên của nhà chức trách Hàn Quốc phần nào cho thấy song song với chính sách ngoại giao tích cực, Hàn Quốc cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ nhằm duy trì sức ép để buộc Triều Tiên phải dừng chương trình hạt nhân của nước này.
Mối quan hệ liên Triều đã ấm lại sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị cử đoàn tới tham dự Olympic PyeongChang 2018. Sự “xích lại gần nhau” cũng như quyết tâm hòa giải của hai miền được thể hiện rõ khi cả thế giới được chứng kiến các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất trong Lễ khai mạc diễn ra tối 9/2 vừa qua.
Triều Tiên xứng đáng giành “huy chương vàng” tại Olympic PyeongChang?
Trong cuộc gặp ở Nhà Xanh, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un là bà Kim Yo-jong ngày 10/2 cũng đã chuyển lời mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm Triều Tiên vào một thời điểm sớm nhất có thể.
Phải nói rằng cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đang thể hiện thái độ xây dựng và thiện chí, tránh mọi động thái đối đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, nhìn nhận thực tế, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hậu Olympic PyeongChang vẫn hết sức phức tạp và khó có thể dự đoán trước, nhất là khi nó không chỉ có quan hệ trực tiếp tới hai miền Triều Tiên mà còn liên quan tới nhiều bên, nhất là các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.
Xét cho cùng, mục tiêu lâu nay của Hàn Quốc và liên minh Mỹ-Nhật-Hàn vẫn luôn là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong khi Triều Tiên lại kiên định lập trường rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này chỉ nhằm mục đích tự vệ trước những thái độ thù địch nhằm vào nước này.
Nói cách khác, Triều Tiên gần như sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân như yêu cầu của Mỹ và đồng minh. Vấn đề Triều Tiên chắc chắn là một cuộc chơi địa chính trị lớn và các bên liên quan đều đang cẩn trọng tính toán những bước đi tiếp theo của mình.
Điều này đã được chính Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh trong một phát biểu trên chiếc chuyên cơ trở về Mỹ sau chuyến thăm Hàn Quốc để tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.
Theo Phó Tổng thống Mỹ, ông và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, cũng như phối hợp các nỗ lực chống lại Triều Tiên. Ông nhấn mạnh chừng nào Triều Tiên không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục cô lập quốc gia Đông Bắc Á này cả về ngoại giao lẫn kinh tế./.
Sức mạnh quân sự đáng sợ của Triều Tiên và Mỹ trên bán đảo Triều Tiên
“Công chúa” Triều Tiên Kim Yo-jong áp đảo Mỹ bằng “tấn công quyến rũ”