Phí tổn kinh tế xã hội do cận thị chiếm 1,3% GDP ở Trung Quốc
VOV.VN - Cận thị giờ đây đã trở thành "quốc bệnh" ở Trung Quốc kéo theo những phí tổn về kinh tế - xã hội và hệ lụy liên quan tới tuyển dụng, tuyển quân.
Theo số liệu thống kê mới đây, tỷ lệ cận thị trong thanh thiếu niên Trung Quốc là 53,6%, trong đó tỷ lệ này đối với học sinh trung học và sinh viên đại học là hơn 70%, đứng số 1 thế giới. Nếu không có chính sách can thiệp hữu hiệu, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có tới 700 triệu người bị cận thị.
Cận thị ở Trung Quốc. Ảnh: Sohu |
Theo một tính toán đưa ra trong Báo cáo về sức khỏe thị giác của người dân Trung Quốc, ngay từ năm 2012, các loại bệnh liên quan đến thị lực đã gây phí tổn về kinh tế xã hội cho nước này lên đến hơn 680 tỷ NDT (khoảng 100 tỷ USD), tương đương 1,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo bà Lý Linh, giáo sư Viện nghiên cứu phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, vấn đề này đang trở nên hết sức nghiêm trọng khi gây tổn thất tới cả GDP, quan trọng hơn là an ninh quốc gia. Bởi khi tỷ lệ cận thị tăng cao, nhiều ngành nghề liên quan đến quốc phòng hay đo lường chính xác sẽ không tuyển được người. Và trên thực tế, trong những năm gần đây, hàng năm Trung Quốc đều đang phải nới lỏng các tiêu chuẩn về thị lực trong xét tuyển nghĩa vụ quân sự.